Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi hầu hết ngân hàng đều huy động tiền từ người dân, tổ chức… với kỳ hạn ngắn nhưng cho vay với thời gian dài. Vì vậy, NHNN đã có nhiều động thái “siết” tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn để đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Thực tế nêu trên đã được Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhìn nhận và đang có động thái điều chỉnh. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 3-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp.
Chỉ 2 ngày sau đó, ngày 5-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đây là động thái được đánh giá sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, qua đó tạo thêm kênh thu hút nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán vẫn “trồi sụt” nhưng ngành chức năng cũng đang có nhiều động thái quyết liệt nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động minh bạch. Việc xử phạt nhiều cá nhân, doanh nghiệp có hành vi thao túng thị trường trong thời gian gần đây là minh chứng.
Tất nhiên, sẽ có độ trễ giữa chủ trương, chính sách với thực tế nhưng mong rằng với những động thái tích cực nêu trên, nguồn vốn cho nền kinh tế sẽ sớm dồi dào, hiệu quả hơn.