Hiện tỉnh Sóc Trăng có tổng số tàu cá đã đăng ký là 1.000 chiếc, tổng công suất 207.670CV (100% đã cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase). Trong đó, tàu có chiều dài từ 6m trở lên là 981 tàu (bắt buộc phải có giấy phép khai thác thủy sản, đến nay đã cấp 978/981 giấy phép, đạt 99,7%); tàu dưới 6m là 19 tàu; tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 340 tàu (hiện đã lắp đặt máy giám sát hành trình đạt 100%, đồng thời được cập nhật và hiển thị vị trí trên hệ thống giám sát hành trình của Cục Thủy sản).
Số lao động khai thác thủy sản, hoạt động nghề cá toàn tỉnh là hơn 307.000 người, trong đó có khoảng 8.600 lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển. Các tàu cá hoạt động bằng nghề lưới kéo chiếm đa số với 507 tàu (chiếm 50,7%), nghề lưới rê là 314 tàu (chiếm 31,4%), hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là 51 tàu (chiếm 5,1%), còn lại các nghề khác là 128 tàu (chiếm 12,8%).
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thẩm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu với 95 giấy chứng nhận, khối lượng hơn 1.170 tấn. Trong đó, đã cấp 55 giấy chứng nhận đi thị trường châu Âu, 35 giấy đi thị trường Thái Lan và 5 giấy đi thị trường Nhật Bản. Tỉnh cũng đã tổ chức 6 lượt kiểm tra, tuần tra, giám sát bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU với 172 tàu cá. Theo đó, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp, tổng số tiền 57,5 triệu đồng. Các trường hợp bị xử phạt đều được cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu của Cục Thủy sản.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh C, cho biết, thời gian qua, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt. Trong đó, công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp, trực tiếp đến các đối tượng là tài công, thuyền trưởng tại thực địa. Từ đó, giúp ngư dân thay đổi nhận thức về tác hại của vi phạm khai thác IUU, đưa hoạt động khai thác hải sản dần đi vào nề nếp, đúng quy định. Từ đầu năm 2023 đến nay, không có tàu cá của tỉnh Sóc Trăng khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.