Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh - Bài 5: Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

“Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM là bước ngoặt chuyển đổi số (CĐS) toàn diện trong việc xử lý và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Do đó đòi hỏi toàn bộ hệ thống sở, ban ngành, địa phương chuyển từ việc xử lý và cung cấp dịch vụ công rời rạc sang quy trình thống nhất, cung cấp dịch vụ số thống nhất dựa trên nền tảng dữ liệu chung”. 

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng (ảnh) chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về nhiệm vụ, giải pháp CĐS trong thời gian tới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh - Bài 5: Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ảnh 1

Chấm dứt việc cung cấp dịch vụ công rời rạc

* PHÓNG VIÊN: Ông có nhận xét gì về kết quả CĐS mà TPHCM đã đạt được?

* Ông LÂM ĐÌNH THẮNG: CĐS là một nhiệm vụ yêu cầu cao, có khối lượng công việc lớn. Qua 2 năm thực hiện triển khai Chương trình CĐS, TPHCM đã xây dựng, vận hành một hạ tầng và nền tảng số cơ bản, tập trung, thống nhất, đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ, vận hành sản phẩm số cụ thể theo kế hoạch đề ra.

Cụ thể, CĐS giúp việc vận hành đô thị TPHCM trở nên hiệu quả hơn. Chúng ta có thể nhận thấy các lợi ích cụ thể thông qua việc chính quyền thành phố lắng nghe và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân ngày càng tốt và hiệu quả hơn qua Tổng đài 1022 và các smart app của các quận huyện, sở, ngành.

Người dân có thể tra cứu thông tin quy hoạch đô thị thông qua dịch vụ tra cứu thông tin của Sở QH-KT. Thông tin giao thông và kiểm soát giao thông cũng được kết nối, điều tiết hiệu quả hơn từ các trung tâm điều hành giao thông. Hệ thống quản lý, giám sát, truy vết tội phạm từ các hệ thống giám sát an ninh của trung tâm chỉ huy công an thành phố đang hoạt động tích cực.

Các bệnh viện, cơ sở điều trị cũng ứng dụng công nghệ số trong công tác khám chữa bệnh, hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe trực tuyến ngày càng tốt hơn. Lĩnh vực giáo dục cũng ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong đào tạo, kết nối trực tuyến giữa nhà trường và gia đình. Tương tự, các lĩnh vực lao động, an sinh xã hội đều đang tích cực CĐS và cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn.

Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, CĐS càng thể hiện vai trò hết sức quan trọng, thay đổi phương thức tổ chức phòng chống dịch so với trước. Đó là TPHCM đã có hệ thống bản đồ số Covid-19, cổng thông tin Covid-19, hệ thống khai báo y tế điện tử, ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường oxy cho người bệnh…

* Vậy tình trạng cung cấp dịch vụ công rời rạc hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào?

* Thực hiện chương trình CĐS và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025, với phương châm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, TPHCM đã triển khai mới “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM”. Hệ thống ra đời trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm một cửa điện tử rời rạc trên toàn địa bàn thành phố.

Có thể đánh giá, đây là hệ thống đánh dấu bước ngoặt - CĐS toàn diện trong việc xử lý và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Do đó, toàn hệ thống sở, ban ngành, địa phương phải chuyển từ việc xử lý và cung cấp dịch vụ công rời rạc sang quy trình thống nhất, cung cấp dịch vụ số thống nhất dựa trên nền tảng dữ liệu chung.

Sở TT-TT TPHCM đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TT-TT để triển khai đồng bộ, liên thông từ Trung ương như Cổng dịch vụ công quốc gia từ Văn phòng Chính phủ, kết nối hệ thống xác thực, định danh, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia theo Đề án 06 của Bộ Công an.

Tại TPHCM, Sở TT-TT thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tái kiến trúc, thống nhất quy trình nội bộ, dữ liệu thủ tục hành chính, số hóa quy trình và xử lý hồ sơ dựa trên dữ liệu số để đổi mới cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân thống nhất theo cơ chế một cửa.

Triển khai toàn diện, dữ liệu liên thông

* Việc nâng cao hệ thống dữ liệu, tái cấu trúc quy trình xử lý thủ tục hành chính đảm bảo yêu cầu CĐS có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân?

* Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thuộc hệ thống chính quyền điện tử TPHCM đã triển khai tại các sở, ban ngành, quận huyện, phường xã từ năm 2007, gắn liền vào thói quen cung cấp dịch vụ của cơ quan nhà nước cũng như cách sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện CĐS, nâng cấp toàn diện hệ thống hiện có đã nêu, TPHCM sẽ có những giải pháp và lộ trình chuyển đổi, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc cung ứng dịch vụ công cho người dân. Sở TT-TT đang xây dựng và tham mưu triển khai chiến lược dữ liệu để từng bước nâng cao chất lượng hệ thống, phối hợp với Văn phòng UBND TPHCM và các quận huyện, TP Thủ Đức, sở ngành để thực hiện tái cấu trúc quy trình nội bộ xử lý thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh - Bài 5: Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ảnh 2 Trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh quận 3 được vận hành từ ngày 20-10-2022. Ảnh: NGÔ BÌNH

* TPHCM sẽ thực hiện những giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động CĐS trên địa bàn, thưa ông?

* Tôi cho rằng, trước hết, các cơ quan nhà nước, quận huyện và TP Thủ Đức cùng với sở, ngành phải tập trung triển khai nhanh và tiên phong trong CĐS, xây dựng hiệu quả chính quyền số. TPHCM phải thực hiện toàn diện trong việc triển khai thiết kế lại mô hình, quy trình tổ chức vận hành, quản trị dựa trên dữ liệu số. Từ đó cung cấp sản phẩm dịch vụ công mới phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn, tiện lợi hơn, công khai minh bạch hơn.

Khi TPHCM hoạt động trên hệ sinh thái số, cung cấp dịch vụ hành chính công hiệu quả, dịch vụ kinh tế - xã hội thông minh hơn sẽ giúp chất lượng cuộc sống người dân nâng cao hơn, kinh tế phát triển bền vững hơn là nền tảng để thúc đẩy, khuyến khích hình thành công dân số và doanh nghiệp số.

Do đó, các giải pháp cụ thể cần được triển khai toàn diện. Trong đó, môi trường thể chế và pháp lý phải theo kịp để đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo, dẫn dắt. Nền tảng dữ liệu phải liên thông, kết nối từ quốc gia đến các địa phương, đơn vị; hình thành các cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ, thống nhất toàn quốc, đi liền với chính sách cho phép khai thác, chia sẻ dữ liệu.

* Còn giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS?

* Sở TT-TT sẽ tổ chức đội ngũ tiếp nhận thông tin, hỗ trợ các đơn vị, người dân, doanh nghiệp tham gia vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố. Đối với người dân, doanh nghiệp khi gặp các khó khăn, vướng mắc có thể gọi đến Tổng đài 1022 nhánh số 2 để được hướng dẫn hỗ trợ hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.

Đối với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở TT-TT ngoài việc hỗ trợ trực tuyến, sẽ cử nhân sự hỗ trợ để đảm bảo công tác triển khai và vận hành hệ thống ổn định. Đặc biệt, 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà TPHCM thực hiện trong thời gian tới là xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS trên địa bàn.

Người dân gặp khó khi đăng ký trực tuyến 

Trên các số báo ra từ ngày 4 đến ngày 7-12, Báo SGGP đăng loạt bài: “Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh”, có bạn đọc phản ánh Ứng dụng 1022 của TPHCM không trả lời. Còn việc đăng ký, đăng nhập vào ứng dụng Bình Tân công dân số không thực hiện được, người dân không thể thông tin liên lạc. Bạn đọc cũng phản ánh, tình trạng đăng ký tạm trú trực tiếp và cả trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn với người dân.

Về những phản ánh này, PV Báo SGGP đã liên hệ với các cơ quan liên quan. Tiếp nhận phản ánh do PV Báo SGGP chuyển đến, lãnh đạo UBND quận Bình Tân khẳng định sẽ cho kiểm tra và có thông tin cụ thể lại sau.

Trong khi đó, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng hoan nghênh Báo SGGP đã làm cầu nối để sở nhanh chóng giải quyết phản ánh của người dân. Ông Lâm Đình Thắng cũng chia sẻ, thông tin của bạn đọc cung cấp chưa cụ thể (đặc biệt là về thời gian phản ánh đến Ứng dụng 1022 của TPHCM) và đưa ra một số trường hợp có thể dẫn tới việc Tổng đài 1022 “không trả lời”.

Theo đó, nếu người dân liên lạc với tổng đài mà không được trả lời, Sở sẽ kiểm tra cụ thể vấn đề do con người (tổng đài viên) hay do trục trặc kỹ thuật, từ đó có biện pháp xử lý. Trong trường hợp người dân đã liên hệ với tổng đài và ý kiến phản ánh chưa được các cơ quan chức năng trả lời, sở sẽ kiểm tra tiến độ giải quyết phản ánh và thông tin trở lại để người dân được rõ.

KHÁNH CHÂU

Tin cùng chuyên mục