Không cần mang nhiều giấy tờ
Điều trị ghép gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM gần 4 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Điển (quê tỉnh Long An) đăng ký tái khám bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Ông mang đầy đủ giấy tờ, nhưng nhân viên bệnh viện không cần xem, vì các thông tin về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được tích hợp trong CCCD gắn chip của ông. “Hồi đó chưa có CCCD gắn chip thì việc đăng ký khám bệnh rất lâu, phải xuất trình cả chứng minh nhân dân, thẻ BHYT… Giờ chỉ cần đưa CCCD gắn chip ra, họ quét vào máy là hiện ra hết thông tin luôn, vừa nhanh lại tiện lợi”, ông Điển nói.
Trong khi đó, chị Phan Thị Tuyết (quê Thanh Hóa) cũng sử dụng CCCD gắn chip tích hợp thẻ BHYT, BHXH khám chữa bệnh tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM). Sau khi hoàn tất quy trình khám bệnh, chị Tuyết đến khu vực thanh toán viện phí và cũng chỉ mất khoảng 5 phút để thực hiện việc thanh toán mà không phải trả tiền mặt. Chị chỉ cần quẹt thẻ, chuyển khoản hoặc quét mã thanh toán Momo là xong. Thanh toán như vậy rất tiện lợi, nhanh chóng và không lo bị móc túi hay rơi tiền khi mang theo nhiều tiền mặt.
Trước đó, từ khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, cuối tháng 2-2022, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã trang bị máy móc, thiết bị y tế, tập huấn cho cán bộ, nhân viên về việc triển khai đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip. Bệnh viện có sẵn hệ thống máy quét mã vạch, khi bệnh nhân đến làm thủ tục thì nhân viên y tế sẽ quét CCCD xem đã tích hợp thẻ BHYT, BHXH hay chưa. Nếu đã tích hợp rồi thì bệnh nhân không cần xuất trình thêm thẻ BHYT.Việc đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT, BHXH vào CCCD gắn chip tạo thuận lợi cho người dân, giúp tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế.
Tuy nhiên, đến nay vẫn có ít người dân biết đến và sử dụng CCCD gắn chip để khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người có CCCD gắn chip nhưng chưa được tích hợp thẻ BHYT, BHXH hoặc không biết mình đã được tích hợp hay chưa. Theo PGS-TS Đỗ Anh Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, việc triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip hay tài khoản định danh điện tử VneID dù có những thuận lợi nhưng vẫn còn không ít khó khăn, trong đó có nguyên nhân hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, dù có nhiều tiện ích nhưng việc triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip vẫn còn nhiều khó khăn khi các bệnh viện phải trang bị thêm các thiết bị đọc mã QR. Đối với hình thức đăng ký khám chữa bệnh bằng tài khoản định danh điện tử VneID, đến nay vẫn có rất ít người dân sử dụng do gặp khó khăn trong việc đăng ký tài khoản.
Làm việc ngày đêm
Những ngày qua, tại điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) ở chung cư The Landmark (phường 22, quận Bình Thạnh), nhiều cư dân chung cư được các cán bộ, chiến sĩ Công an quận Bình Thạnh hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thông qua máy tính, điện thoại. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử.
Công an TPHCM đang tiếp tục số hóa dữ liệu trên địa bàn thành phố và chuẩn bị các điều kiện để kết nối dữ liệu chuyên ngành với kho dữ liệu điện tử kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an. |
Bà Nguyễn Thị Hoa (64 tuổi) mang theo thẻ BHYT để tích hợp thông tin vào tài khoản định danh điện tử VneID. Sau khi lấy dấu vân tay, chụp ảnh, bà được hướng dẫn rằng từ nay về sau khi đi khám sức khỏe không phải cầm theo BHYT nữa, chỉ cần mang CCCD. Bà vui lắm, bảo rằng già rồi, đi đâu cầm theo nhiều giấy tờ cứ sợ quên, sợ rơi mất. Tương tự, anh Hoàng Dũng (48 tuổi) mang theo thẻ BHYT, giấy tờ xe, bằng lái xe ô tô để tích hợp tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Sau khi thực hiện xong các thủ tục, anh Dũng cho biết sẽ quay lại để tích hợp bằng lái xe gắn máy và các giấy tờ khác.
Trong khi đó, anh Trần Văn Minh, 32 tuổi, được công an hướng dẫn cụ thể các bước để sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở những lĩnh vực về cư trú, giao thông, phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ... Lãnh đạo Công an phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận đăng ký từ 20 tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 25 hồ sơ đăng ký tạm trú, lưu trú, thường trú và tạm vắng… Đơn vị cũng tiếp nhận làm sạch dữ liệu dân cư, giải đáp thắc mắc của người dân từ 5-10 trường hợp/ngày.
Tại trụ sở Công an quận 3 những ngày qua, PV ghi nhận cảnh người dân tấp nập tới làm CCCD gắn chip. Hai tuần trước, anh Huỳnh Công Minh được cảnh sát khu vực thông báo về việc làm CCCD gắn chip. Công an còn hướng dẫn anh đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục. Tới nơi, anh chỉ mất chưa đầy 20 phút để điền thông tin, lăn tay, chụp ảnh, rồi cầm giấy hẹn về chờ lấy CCCD. Tương tự, ông Huỳnh Quang Đại cho biết, nhờ chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn từ Facebook của Công an quận 3 nên khi đến nơi làm CCCD, ông “làm cái rẹt” là xong.
Thiếu tá Bùi Hữu Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 3, cho biết, để phục vụ người dân tốt nhất trong việc làm CCCD gắn chip, đơn vị chia 2 ca (mỗi ca có 5 cán bộ) trực tiếp cấp ở trụ sở. Cán bộ làm từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Ngoài ra, Công an quận 3 bố trí thêm 2 điểm máy tại công an phường để tạo điều kiện cho người dân làm CCCD gắn chip. “Cán bộ, chiến sĩ tận dụng tối đa thời gian, chuẩn bị đồ ăn từ nhà, tranh thủ 5-10 phút ăn trưa là tiếp tục bắt tay vào việc, hoặc thay phiên ăn uống, vệ sinh xong lại có mặt ngay để thực hiện nhiệm vụ với phương châm “không để ai phải ra về mà chưa làm được thủ tục”, Thiếu tá Bùi Hữu Nghĩa chia sẻ.
Bác sĩ KIM PHÚC THÀNH - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện TP Thủ Đức:
|
Bác sĩ PHAN MINH TÚ - Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM:
|