Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh - Bài 3: Phủ mọi ngõ ngách kinh doanh

Tại TPHCM, giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến đang dần trở thành một việc hiển nhiên, ngay cả những người trước đây không biết về công nghệ thì nay đã phải chuyển bộ. Kết quả này xuất phát từ câu chuyện dài về quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Thanh toán không tiền mặt khi đổ xăng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thanh toán không tiền mặt khi đổ xăng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hộ kinh doanh hào hứng

Giao chiếc bánh và hộp xôi cho khách xong, đợi khách trả tiền bằng cách quét mã QR ngay trên quầy, bà Nguyễn Thị Vân, chủ tiệm bánh mì trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), khoe: “Tiệm thực hiện cách thanh toán này hơn 2 tháng rồi, tiện lợi lắm”. Bà Vân cho biết, nhân viên ngân hàng đến gặp, đề nghị bà mở tài khoản và họ đặt một tấm bảng nhỏ (có in mã QR, tên và số tài khoản của bà) ngay trên quầy.

Ông Phan Thanh Vũ Hùng, một người giao hàng, đưa điện thoại ra để khách quét mã QR ngân hàng và thanh toán số tiền 737.000 đồng. “Tôi tính toán chậm lắm, nên cứ quét thế này cho nhanh”, ông Hùng giải thích. Đúng là nhanh thật, khách quét mã QR xong, ông Hùng kiểm tra đã thấy tiền vô tài khoản.

Việc giao - nhận hàng hiện nay quả thật tiện lợi. Chúng tôi đặt một món hàng, nơi nhận ghi địa chỉ cơ quan. Anh shipper tới đúng lúc chúng tôi đi ra ngoài, cũng không nhờ được ai nhận giùm. Anh vui vẻ nói: “Anh gửi lễ tân nhé”, rồi nhắn số tài khoản ngân hàng để chúng tôi chuyển khoản. Dường như việc sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người hiện nay.

Dạo quanh những khu vực buôn bán sầm uất ở khu vực trung tâm thành phố, một quầy cà phê nhỏ, một sạp trái cây… cũng có tới vài hình thức thanh toán trực tuyến cho khách hàng lựa chọn. Ngay cả những quầy sạp nhỏ trong chợ hay buôn bán nhỏ lẻ bên ngoài cũng có những mã thanh toán để khách hàng lựa chọn, bên cạnh hình thức thanh toán tiền mặt như trước đây.

Việc đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đưa sản phẩm lên giao dịch trên môi trường thương mại điện tử cũng đang được doanh nghiệp và các hộ kinh doanh triển khai khá nhanh. Theo kết quả khảo sát trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 - được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Chị Lan, chủ một sạp bán bún thịt nướng, bánh ướt, bánh hỏi ở chợ Tân Định (quận 1), cho biết, có thời điểm chị đăng ký tới 6 ứng dụng giao hàng, nên đơn hàng “nổ” liên tục, không có sức mà làm!

Một tiện ích khác được thể hiện rõ là trong lĩnh vực cung cấp nước. Đi làm về, thấy nhà cúp nước, bà Trần Thanh Mai (ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) cầm điện thoại đến góc nhà, nơi có dán mã QR do Công ty CP Cấp nước Tân Hòa cung cấp. Bà Mai quét mã và thấy có thông báo cúp nước đột xuất do đường ống khu vực gần nhà bà bị bể. Nội dung thông tin cũng hiển thị khoảng 19 giờ, nước sẽ được cung cấp lại. Từ mã QR, bà Vân và khách hàng của ngành cấp nước có được tất tất cả thông tin cần tìm về dịch vụ nước mà không phải cài app.

Doanh nghiệp nhập cuộc mạnh mẽ

Điện, nước là hai ngành TPHCM đặt ra chỉ tiêu phải đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó ngành cấp nước được ví như “mạch sống” đảm trách nhiệm vụ cấp nước cho hơn 10 triệu người dân.

Hiện nay, nhiều hoạt động trong ngành đã dựa trên nền tảng công nghệ, như: thanh toán hóa đơn nước qua điện thoại, internet; ký hợp đồng cấp nước điện tử thay cho hợp đồng giấy; chăm sóc khách hàng qua Zalo OA… Các nhà máy nước cũng vận hành theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị, phương pháp quản lý, công nghệ, đảm bảo môi trường. Hầu hết nhà máy được vận hành tự động hóa hoàn toàn thông qua hệ thống SCADA với công nghệ xử lý nước tiên tiến.

Trong đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) khai thác khoảng 2 triệu m3 nước thô mỗi ngày, với 9 hệ thống xử lý nước cung cấp nước sạch cho hơn 10 triệu người dân TPHCM. SAWACO cũng sở hữu hệ thống cấp nước lâu đời và có quy mô lớn. Vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp bắt buộc để nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước. Cụ thể, SAWACO xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho quá trình chuyển đổi số như: trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng lưới cấp nước SAWAGIS trên nền tảng GIS; xây dựng ứng dụng quản lý khách hàng; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, quản lý hóa đơn, hệ thống đồng hồ nước thông minh và nhiều dự án khác.

Còn tại Tổng Công ty Điện lực TPHCM, từ năm 2020 đến nay đã xúc tiến việc xây dựng lưới điện thông minh cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp. Đầu năm 2022, tổng công ty đã đưa vào vận hành trung tâm điều khiển xa thứ hai, độc lập và dự phòng cho trung tâm điều khiển xa thứ nhất theo đúng chuẩn quốc tế. Đồng thời, đưa vào hoạt động các phòng trực vận hành hiện đại tại 15 công ty điện lực trực thuộc, góp phần nâng cao năng lực quản lý và vận hành lưới điện trên địa bàn TPHCM. Đến nay, tổng công ty đã triển khai chức năng vận hành tự động (không cần người điều khiển) cho 100% lưới điện trung thế công cộng, giúp tự động phát hiện và xử lý sự cố với thời gian từ 1-2 phút.

Trong khâu dịch vụ khách hàng, 100% dịch vụ điện được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt xấp xỉ 100%, đã quản lý số hóa 100% hồ sơ khách hàng, gắn đồng hồ đo đếm từ xa cho hơn 99% khách hàng, giúp khách hàng có thể theo dõi tình hình tiêu thụ điện hàng ngày. Tổng công ty cũng xây dựng nhiều phần mềm để áp dụng vào quản lý, quản trị doanh nghiệp, điển hình như phần mềm quản lý độ tin cậy cung cấp điện (OMS) - được công nhận là sản phẩm Make by EVN vào đầu năm 2022, hiện đang được áp dụng chung cho ngành điện cả nước.

Cục Thuế TPHCM đã thực hiện điện tử hóa trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 265.800 doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng; hơn 235.600 doanh nghiệp nộp thuế điện tử tại Cổng thông tin của Tổng cục Thuế.

Cục Thuế TPHCM cũng triển khai ứng dụng Icanhan để hỗ trợ người nộp thuế khai thuế 24/7 và đã có 275.800 tài khoản đăng ký, hơn 504.000 tờ khai đã nhập vào ứng dụng. Ngoài ra, qua ứng dụng Quản lý trước bạ đất và phương tiện tập trung, đã có 813.200 hồ sơ đã được giải quyết.
Cục Thuế TPHCM cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường áp dụng và tối ưu việc điện tử hóa các thủ tục hành chính (nộp thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử); mở rộng dịch vụ thuế điện tử; triển khai thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân điện tử, ứng dụng HCM Tax.

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM:

Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Con người đã quen với môi trường thực, nay chuyển sang môi trường số phải thay đổi thói quen là việc khó, đòi hỏi thời gian. Trong một tổ chức, việc thay đổi thói quen phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu.

Ông NGUYỄN VĂN ĐẮNG, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO):

Công tác chuyển đổi số tại SAWACO gặp nhiều thách thức như: năng lực lãnh đạo và nhân viên còn hạn chế, cơ sở công nghệ hạ tầng cần được nâng cấp, hạ tầng cũ trải qua nhiều năm đã hư hỏng, vận hành đòi hỏi liên tục… Từ khó khăn đó, SAWACO chọn các dự án điểm để chuyển đổi số. Thông qua các dự án điểm để tạo đà và thúc đẩy tiến tới chuyển đổi số mạnh mẽ trong tương lai.

Để thực hiện, SAWACO xem việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cấp nước thông minh là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện rốt ráo. Từ nhiều năm nay, việc truy xuất các trường hợp có sự cố, nhanh chóng tìm nguyên nhân để khắc phục đã được thực hiện qua ứng dụng GIS.

Hệ thống mạng lưới cấp nước tại TPHCM có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu quản lý và ứng dụng kịp thời xu thế công nghệ, ngay từ rất sớm, SAWACO đã triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tiến tới chuyển đổi số, trong đó công nghệ GIS là ứng dụng chủ điểm để quản lý hệ thống cấp nước.

Tin cùng chuyên mục