Chia sẻ về lĩnh vực này, đại diện Công ty Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (hoạt động trong lĩnh vực gia công, thiết kế sản phẩm, khuôn mẫu nhựa) cho biết, công ty đã cải tiến ở 5 lĩnh vực: cải tiến quản lý và sử dụng thiết bị công nghệ hiệu quả; cải tiến quá trình sản xuất; nhận biết và giảm lãng phí trong sản xuất và thực hiện đánh giá KPI (bảng đánh giá nhân viên)...
Những cải tiến này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả cho công ty. Thứ nhất, giảm tỷ lệ phế phẩm từ 4% xuống còn 1,1%; tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên giảm từ 20% xuống còn 5%; tỷ lệ trả hàng từ 1% xuống còn 0,5% và đặc biệt là dịch vụ làm thỏa mãn khách hàng đã đạt điểm 9.
Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty Tương Lai (sản xuất mặt hàng nhựa, thiết kế khuôn mẫu nhựa), cho biết việc cải tiến năng suất lao động đã giúp công ty giảm được nhiều chi phí, thời gian làm việc cho công nhân. Trước đây, cùng một lô hàng, công nhân phải làm từ 7 giờ đến 17 giờ (thậm chí tăng ca); hiện nay, cũng với khối lượng công việc như vậy, công nhân chỉ làm từ 7 giờ đến 15 giờ là xong việc. Từ khi triển khai các hoạt động cải tiến, năng suất lao động đã tăng lên 68% - 75%.
Những DN thực hiện cải tiến được năng suất lao động như 2 DN trên, không nhiều. Phần đông DN phản ánh rằng họ lúng túng và chưa nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Các DN mong muốn sự hỗ trợ từ Nhà nước cần thiết thực và hiệu quả hơn.
Trao đổi về lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam), cho biết DN Việt có nhiều tiềm năng để thực hiện việc cải tiến trong hoạt động sản xuất. Vấn đề hiện nay là ngành chức năng phải tư vấn, định hướng hướng đi và cách làm cho DN. Cần đặt DN vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DN nhằm tăng năng suất lao động đối với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Hỗ trợ DN tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.