Chiều 7-8, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo “Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay”.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06), hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an triển khai, xây dựng và đưa vào vận hành, quản lý hơn 104 triệu dữ liệu công dân trên toàn quốc đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống và được đồng bộ, liên thông với 15 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63 địa phương.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Hiện nay, trên nền tảng dữ liệu dân cư đã hoàn thành cấp căn cước công dân điện tử cho người từ đủ 14 tuổi và xây dựng hệ thống định danh, xác thực điện tử, phổ cập danh tính số, tài khoản định danh cho 55,4 triệu công dân.
Việc khai thác dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đã đem lại nhiều tiện ích, cắt bỏ các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, mang lại hiệu ứng lan tỏa khắp các ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, đặc biệt đối với ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai đề án 06 với 11 nhiệm vụ và 35 nội dung trong kế hoạch phối hợp giữa 2 đơn vị.
Tuy nhiên, qua nắm tình hình chung, mặc dù áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng mới chỉ ở mức công cụ. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng thiếu thông tin, dữ liệu để ra quyết định cho vay, do đó việc vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng tín dụng đen và gây ra các hệ lụy cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an trong 3 năm (2019-2022), cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã tiếp nhận, phát hiện 2.700 vụ, hơn 4.900 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; đã khởi tố, điều tra hơn 1.500 vụ, với hơn 3.300 bị can. Riêng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đã tiếp nhận, phát hiện hơn 1.500 vụ, hơn 2.700 đối tượng; đã khởi tố hơn 1.000 vụ với hơn 2.000 bị can...
Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin tại hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Theo đánh giá của Bộ Công an, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các ngân hàng không có cơ sở đánh giá xác định đối tượng cho vay; ngân hàng chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội; thiếu cơ chế quản lý nhà nước về kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân.
Hiện nay, theo lãnh đạo C06, đơn vị đã phối hợp với một đơn vị cấp trường của Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay trên nền tảng dữ liệu dân cư. Đến nay, đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với 18 trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao.
Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết, qua thử nghiệm đã khẳng định 5 giá trị mà giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay dựa trên nền tảng dữ liệu dân cư mang lại: minh bạch (các tổ chức ngân hàng dựa trên điểm tín dụng cho ra kết quả chính xác đối với các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn, nhân viên không thể trục lợi…); văn minh (người dân được hưởng các tiện ích không giấy tờ, có thể thực hiện vay vốn trực tuyến dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức); phòng chống tội phạm (doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thống và trợ cấp lãi suất từ Chính phủ, qua đó làm giảm tỷ lệ tín dụng đen, mâu thuẫn trong xã hội); góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; an sinh xã hội (tăng tỷ lệ cho vay hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ mua nhà trợ cấp xã hội).
Chiều cùng ngày, Bộ Công an công bố cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “dữ liệu với cuộc sống” và công bố trang website diễn đàn chuyển đổi số quốc gia: www.diendanchuyendoiso.gov.vn
Vướng về pháp lý
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, hầu hết các giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay như hiện nay đều cần phải thực hiện huấn luyện mô hình máy học trên tập dữ liệu lớn (104 triệu công dân với nhiều trường thông tin) để đảm bảo độ chính xác trước khi có thể sử dụng để đánh giá khả tín khách hàng vay. Do vậy, khi đánh giá khả tín khách hàng vay mới xin ý kiến người dân về việc xử lý dữ liệu chỉ có ý nghĩa đối với các quy trình sau này. Đồng thời hiện nay chưa có quy định về danh mục sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay được khai thác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chưa có quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng phải tham khảo sử dụng sản phẩm này khi thực hiện cho vay, giải ngân các nguồn vốn.