Tối 11-12, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), một cháu bé 5 tuổi đã bị chính cha ruột sát hại. Trước đó vài ngày, tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), một cháu bé 10 tuổi cũng đã bị cha ruột bạo hành đến mức gãy xương sườn và rạn sọ não.
Gần đây, những vụ việc bạo hành trẻ em gây ra những tổn thương về thể xác và tinh thần, thậm chí là những cái chết oan uổng, đã làm dư luận phẫn nộ. Các nhà tâm lý học đã gửi đến Báo SGGP các ý kiến phân tích nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn nạn này.
Pa nô chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình
Từ ích kỷ đến bạo hành con trẻ
Các nhà giáo dục, xã hội học, các nhà quản lý đã liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến người lớn có hành vi mất nhân tính bạo hành con trẻ, như do nghèo khổ, túng quẫn, cả giận mất khôn, thiếu kỹ năng giáo dục con cái, thiếu hiểu biết, xung đột gia đình… Có thể xếp thành 3 nhóm chính: nguyên nhân từ phía người chăm sóc, nguyên nhân từ phía xã hội, nguyên nhân từ chính trẻ em.
Có những trường hợp từ sự đổ vỡ hôn nhân, dù quyết định ai có quyền nuôi con đã được tòa phân xử rõ ràng, nhưng hai người đổ lỗi cho nhau, tìm cách lôi kéo, tranh giành con cái, hoặc trút giận vào chính con của mình. Khi vợ chồng ly hôn, người vợ cũ có quyền thiết lập quan hệ tình cảm với người đàn ông khác, song có những ông chồng cũ ích kỷ, ghen tuông, tìm cách trả thù, gây nên những vụ án nghiêm trọng, như giết cả vợ cũ lẫn con, hoặc đánh đập con để thỏa sự căm giận người vợ cũ. Cũng có không ít trường hợp sau khi vợ chồng ly dị, con ở với mẹ, lại thường xuyên bị chính mẹ ruột bạo hành vì muốn giải tỏa tâm lý bức bách bằng cách trút giận vào con.
Những hành vi bạo hành con trẻ là không thể chấp nhận được, phản ánh sự bất lực của người cha hoặc người mẹ. Trẻ em không có tội, đừng bao giờ nghĩ rằng con mình đẻ ra thì mình có mọi quyền hành. Nếu thực sự cùng quẫn, bí bách, không đủ khả năng nuôi dạy con, hãy tìm đến những trung tâm bảo trợ nuôi dạy trẻ em, hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng tìm chốn nương thân cho con trẻ, chứ đừng vì sự ích kỷ, nông nổi của bản thân mà tước đi quyền được sống của những đứa trẻ thơ ngây, vô tội.
Thạc sĩ tâm lý LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (TP Biên Hòa, Đồng Nai)
Điều khiển hành vi theo hướng tích cực
Dưới góc nhìn tâm lý, chúng tôi đề xuất các giải pháp cơ bản góp phần đẩy lùi vấn nạn bạo hành trẻ em.
Giải pháp trước hết là nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và ý thức về hậu quả của bạo hành trẻ em. Trong hầu hết các vụ bạo hành trẻ, những người trực tiếp gây ra đều không hiểu biết về quyền trẻ em và quy định pháp luật về vấn đề này. Họ cho rằng đó là cách giáo dục con, xã hội không có quyền can thiệp, họ không nghĩ rằng sẽ bị trừng trị. Người lớn cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái và các quyền mà trẻ được hưởng, đồng thời phải nắm vững Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; hiểu rõ và hiểu đúng đặc điểm tâm sinh lý của từng giai đoạn phát triển ở trẻ; nhận thức rõ về hậu quả của những hành vi bạo hành trẻ. Mỗi một tác động lúc tuổi thơ, dù là nhỏ nhất, vẫn có thể để lại những vết hằn tâm lý lúc trưởng thành. Cha mẹ cần phải nắm vững phương pháp giáo dục trẻ, đòn roi là thể hiện sự bất lực trong giáo dục, chỉ có tình thương yêu và cách giáo dục bằng lương tâm và trách nhiệm mới là cách tốt nhất.
Cần giữ cân bằng và kiểm soát tốt thái độ. Có cha mẹ nhận thức được rằng việc đánh con là vi phạm pháp luật, tuy nhiên họ lại không kiềm chế được cảm xúc tiêu cực của bản thân. Thực tế, trong một số gia đình, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thì tâm lý cha mẹ thường chịu áp lực rất lớn, nên khó giữ được cảm xúc cân bằng, họ thường nổi nóng mỗi khi con cái không chấp hành những quy định của gia đình. Khi gia đình túng quẫn, xảy ra xung đột, thì con cái thường bị cha mẹ đổ dồn những cảm xúc tiêu cực. Đặc biệt, khi kinh tế khó khăn, gia đình bất hòa, một trong hai người thiếu lòng độ lượng bao dung, thì những đứa con riêng dễ có nguy cơ trở thành nơi họ trút giận vào đó, kiểu giận cá chém thớt.
Vì tương lai của con, cha mẹ hãy kiểm soát và cân bằng những cảm xúc, hành vi tiêu cực của bản thân. Mỗi khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực, hãy tránh xa trẻ một chút, nhờ người khác giúp đỡ, uống một ly nước càng chậm càng tốt, hít thở sâu, hoặc trước khi định có hành động gì, hãy nghĩ đến hậu quả. Cần phải thường xuyên chú ý đến hành vi của mình, điều chỉnh, điều khiển hành vi theo hướng tích cực. Mỗi hành động trừng phạt trẻ về thể xác và tinh thần bao giờ cũng để lại hậu quả khôn lường. Do vậy, hãy luôn cố gắng vượt qua được những khó khăn, trở ngại, hãy có những hành động thiết thực để cải thiện cuộc sống gia đình, giúp các con của mình trưởng thành bằng điểm tựa tinh thần vững chắc của người cha, người mẹ.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG (giảng viên Tâm lý học Trường Đại học Nguyễn Huệ)