Trong một lần lướt Facebook, tôi tình cờ đọc được một câu chuyện khá buồn cười nhưng vô cùng ý nghĩa. “Trong tình hình đại dịch Covid-19, buổi lễ tổng kết năm học được tổ chức riêng theo lớp. Tại lớp 7E, có 32 em học sinh giỏi. Khi đọc tên lên nhận thưởng, chỉ còn sót lại một em ngồi bên dưới, cậu bé chăm chú hướng mắt theo dõi và vỗ tay chúc mừng. Sau buổi tổng kết, một nhà báo đang lấy tin tại trường liền ghé vào và phỏng vấn, mời em phát biểu cảm nghĩ. Cậu bé hồn nhiên trả lời, dù em không học giỏi bằng các bạn nhưng em vẫn có ước mơ. Em mơ một ngày nào đó, em sẽ làm thầy hiệu trưởng. Em muốn được ký giấy khen cho các bạn”.
Căn bệnh thành tích đã không còn quá xa lạ đối với nhiều người trong chúng ta. Trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực, bệnh thành tích đều có thể lây lan. Nó không giới hạn ở một con người cụ thể hay một lĩnh vực riêng lẻ nào. Tuy nhiên, bệnh thành tích trong giáo dục lại là khối “ung nhọt” gây nhức nhối cho toàn xã hội và đất nước. Thi cử gian dối, chạy theo thành tích nên buông lỏng kỷ cương. Bằng giả, học giả, tiến sĩ rởm cứ thế tràn lan. "Trồng người" là việc trọng đại nhưng "trồng giả" sẽ không bao giờ thành công.
Do đâu căn bệnh thành tích xuất hiện trong ngành giáo dục? Có thể trả lời rằng, nếu cấp trên thích nghe thành tích, cấp dưới luôn sẵn sàng để tạo ra những thành tích cho cấp trên. Phòng giáo dục yêu cầu nhà trường sẽ thực hiện, hiệu trưởng ban lệnh thì giáo viên cứ thế mà theo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít thành nhiều, từ xấu thành đẹp, tất cả đều có thể thay thế bằng những con số ảo miễn cấp trên đồng thuận.
Như ngôi trường tôi đã từng học cấp 2, khi còn theo học, hai chữ “trường đạt chuẩn quốc gia” cứ văng vẳng bên tai mỗi sáng thứ hai hằng tuần. Thầy hiệu trưởng luôn hô vang khẩu hiệu ấy trong bài nhắc nhở chung cho toàn trường. Một vài năm sau đó, trường tôi đạt chuẩn quốc gia thật. Tuy nhiên, khi vào cấp 3, nhiều người bạn của tôi đã tụt hạng một cách rõ rệt. Từ học sinh giỏi lớp 9, nhiều bạn “được” trở thành học sinh trung bình – yếu ngay trong học kỳ đầu của lớp 10.
Với quan điểm cá nhân, tôi thiết nghĩ, để giảm bệnh thành tích trong giáo dục thì việc dạy và thi cử cần độc lập với nhau. Nội dung kiến thức chuẩn mà bộ đã đề ra, giáo viên cần dạy đúng và đủ. Cần dẹp đi những chữ “đúng tiến độ” hay “đúng quy trình”. Việc thi cử cần thực hiện dựa trên năng lực của từng học sinh, với một barem cụ thể, một kho đề đạt chuẩn do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra. Việc này còn phòng tránh được việc, giáo viên bộ môn cung cấp đề thi trước cho những học sinh học thêm. Nhưng hơn hết, giáo viên vẫn là người quan trọng nhất. Giáo viên cần dạy bằng con tim và lương tâm nghề nghiệp, không chịu sự chi phối của phòng giáo dục, sở giáo dục hay một vị hiệu trưởng nào. Có như thế, học sinh mới cảm thấy việc học trở nên nhẹ nhàng. Sách vở trở thành người bạn hơn là kẻ thù đối với học sinh.
Trong khoảng thời gian hiện tại, nhiều bậc phụ huynh vẫn đang miệt mài chở con đến các lớp học thêm. Thi cử gần kề nên nhiều bậc cha mẹ buộc con chạy cho kịp “dateline” cuối kỳ. Họ mong muốn con mình có được bảng điểm đẹp hơn con hàng xóm. Thật đáng buồn với tất cả những gì đang diễn ra.
Thành tích thì ngành nào cũng cần. Mọi công việc làm đều phải đi đến thành tích và người làm luôn cố gắng vì điều đó. Bệnh thành tích trong giáo dục là do lãnh đạo các cấp không dám, không muốn và không chấp nhận kết quả hiện tại nên báo cáo sai sự thật. Không chỉ riêng bài đăng “Hãy trả em về đúng lớp”, vụ việc 193 bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp bị phanh phui cũng vô cùng phù hợp với diễn đàn. Những câu chuyện này như hồi chuông thức tỉnh toàn xã hội.
Vì vậy, biết chấp nhận sự thật là điều mọi người cần có; cùng nhau chung tay, góp sức, cải thiện ý thức là điều mọi người cần thực hiện. Có như thế, căn bệnh trầm kha mang tên “thành tích” mới có thể được đẩy lùi.
Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn |