Theo đó, do dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, thành phố không thể khai giảng năm học mới vào ngày 5-9 theo khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, nên phương án tình thế được đưa ra là thiết kế bài giảng trực tuyến trong 10 tuần lễ đầu tiên của năm học mới. Đáng chú ý, yêu cầu dạy học trực tuyến được áp dụng cho tất cả khối lớp, tức đối với cả những “tân binh” lớp 1.
Cụ thể, các bài giảng sẽ được thiết kế theo hình thức video clip gồm cả hình và tiếng với thời lượng không quá 15 phút đối với lớp 1, 2 và không quá 20 phút đối với lớp 3, 4, 5. Câu hỏi được đặt ra là học sinh các khối 2, 3, 4, 5 vốn đã biết đọc, biết viết, được làm quen với phương pháp dạy học trực tuyến từ năm học trước, nhưng với học sinh lớp 1 chưa quen với môi trường giảng dạy ở bậc tiểu học, chưa có khả năng nhận diện mặt chữ thì làm sao thao tác trên máy tính theo yêu cầu của giáo viên? Chưa kể, một số nội dung hướng dẫn đầu năm đối với lớp 1 thuộc dạng giáo viên phải “cầm tay rèn chữ”, khó chuyển tải đầy đủ qua hình ảnh trên các đoạn video clip như tư thế ngồi học, cách cầm viết, cách phát âm… Thêm vào đó, hiện nay đối với nhiều gia đình ở khu vực ngoại thành, gia đình có cha mẹ là công nhân, lao động tự do, yêu cầu tương tác qua các thiết bị công nghệ là một thách thức không nhỏ đối với cả phụ huynh lẫn học sinh.
Còn nhớ mới đây, TP Hà Nội đã quyết định thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá cuối học kỳ II năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1, 2 do nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện theo hình thức trực tuyến. Trước đó, Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng quyết định dừng tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, 2 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do hàng loạt bất cập. Ngay cả đối với các khối 3, 4, 5, Hải Phòng cũng yêu cầu hạn chế triển khai bài giảng mới theo hình thức trực tuyến. Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, dạy học trực tuyến đối với học sinh khối 1, 2 không nên bắt buộc áp dụng một cách đồng loạt mà phải làm sao duy trì được việc học có hiệu quả, tránh gây mệt mỏi, căng thẳng không cần thiết cho học sinh.