Trong đó, phương pháp sân khấu hóa học đường đã tạo nhiều hiệu quả tích cực, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn kỹ năng sống, phát triển tư duy sáng tạo.
Lắng đọng nhiều cảm xúc
Tuần qua, gần 250 học sinh khối 6 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã có giờ học môn Ngữ văn đầy cảm xúc thông qua việc hóa thân thành các nhân vật trong truyện ngụ ngôn, truyền thuyết, cổ tích và truyện cười dân gian. Lần lượt các hoạt cảnh kịch “Thầy bói xem voi”, “Cóc kiện trời”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Thánh Gióng”… được học sinh tái hiện với nhiều màu sắc tươi mới.
Theo cô Vũ Thị Hải Yến, giáo viên Tổ Ngữ văn, học sinh đã có 4 tuần lễ để chuẩn bị kịch bản, thiết kế trang phục và dàn dựng tiết mục. Giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ khi học sinh gặp khó khăn trong quá trình xây dựng ý tưởng, lựa chọn đạo cụ và chuyển tải thông điệp đến người xem. Thông qua các tiết mục sân khấu hóa, học sinh được thoải mái thể hiện khả năng tư duy và sáng tạo, giúp các em trưởng thành hơn trong suy nghĩ, đồng thời được trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông…
Trước đó, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) đã triển khai chuyên đề “Văn học cách mạng Việt Nam - Những chặng đường lịch sử” dành cho học sinh khối 12. Cô Nguyễn Thị Phúc, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, cho biết khi dạy về văn học cách mạng, nếu giáo viên chỉ dạy suông sẽ không hiệu quả bằng việc cho học sinh trực tiếp sống lại bối cảnh lịch sử đó.
Thông qua việc hóa thân thành các nhân vật là 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, học sinh phần nào cảm nhận được sự kiên cường của những người con gái anh hùng. Hay như, qua việc hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” (nhà văn Nguyễn Quang Sáng), học sinh không chỉ được ôn tập, hệ thống lại kiến thức môn học mà còn được bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào với những trang sử hào hùng của dân tộc, qua đó bồi đắp lý tưởng sống vững vàng.
Ở phạm vi rộng hơn, dự án “Truyền cảm hứng từ các nhân vật lịch sử” do Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) thực hiện, dành cho học sinh 2 khối 10 và 11, đã “làm sống lại bằng xương, bằng thịt” hàng loạt nhân vật lịch sử nổi tiếng thế giới như nữ hoàng Cleopatra, vua Pharaon, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân, Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu, nữ hoàng Elizabeth... đến các anh hùng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc như Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Trần Quốc Toản, Thái hậu Dương Vân Nga, nữ tướng Bùi Thị Xuân…
Đơn cử, với tiết mục hóa thân thành nhân vật Trần Quốc Toản, em Nguyễn Hữu Ngọc Thảo, học sinh lớp 10A4, cho biết bản thân đã xem đi xem lại vở diễn này của NSƯT Thành Lộc để học cách dàn dựng và đầu tư cảm xúc. Trong quá trình chuẩn bị, kịch bản đã được các em chỉnh sửa rất nhiều lần. Nhờ vậy, khi tái hiện nhân vật, học sinh có thể khóc, cười cùng nhân vật, biểu cảm qua từng ánh mắt, cử chỉ, lời thoại.
Rút ngắn khoảng cách thầy - trò
Có mặt tại buổi báo cáo dự án liên môn Ngữ văn, Lịch sử với chủ đề “Còn mãi với thời gian” của học sinh khối 12 Trường THPT Lương Thế Vinh vào cuối tháng 11 vừa qua, nhiều giáo viên cho biết rất xúc động trước ánh mắt cương trực, lời thoại đầy cảm xúc của học sinh khi tái hiện hình ảnh “đội quân tóc dài” của phụ nữ miền Nam Việt Nam trong phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Vở kịch “Người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ” của học sinh lớp 12A2 cũng lấy đi nước mắt của nhiều khán giả.
Dù đã xem các em diễn tập nhiều lần trước đó nhưng cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, không giấu được xúc động: “Mỗi lần xem các em biểu diễn là một lần tôi có cảm xúc mới, qua đó giúp giáo viên hiểu hơn tâm tư, tình cảm của học sinh, có thể hỗ trợ, tư vấn cho các em khi gặp khó khăn trong việc xác định lý tưởng và mục tiêu sống phù hợp”.
Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, bày tỏ, kết quả thống kê dự án “Truyền cảm hứng từ các nhân vật lịch sử” cho thấy có đến 2/3 tiết mục học sinh đăng ký hóa thân thành nhân vật lịch sử nước ngoài, trong khi đó, kho tàng lịch sử Việt Nam dù phong phú vẫn chưa thu hút được nhiều quan tâm của học sinh. Lý giải điều này, thầy Đăng Du cho biết do nguồn tư liệu phim ảnh lịch sử nước ngoài khá phong phú, học sinh dễ tiếp cận, trong khi phim lịch sử Việt Nam còn hạn chế.
Học sinh hiện nay chủ yếu học lịch sử Việt Nam thông qua văn bản, số liệu khô cứng, thiếu các câu chuyện thực tế, sinh động. “Đây không chỉ là lời cảnh báo dành riêng cho giáo viên khối THPT, đặt ra yêu cầu làm sao đưa môn Lịch sử đến gần hơn với học sinh mà còn là bài toán chung cho các ngành văn hóa, xã hội trong việc tạo ra nguồn tư liệu lịch sử phong phú, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của giới trẻ”, giáo viên này cho biết.
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, hình thức học tập mới mẻ này không chỉ giúp học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức mà qua đó còn truyền cảm hứng cho các em, giúp học sinh thêm yêu thích bộ môn Lịch sử. |