Giờ học Văn được thiết kế thành chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Ở đó, giáo viên chỉ đóng vai người dẫn chuyện. Toàn bộ kiến thức về các nền văn học trên thế giới đều được học sinh chuyển tải qua nhiều hình thức như múa rối, hát, nhảy múa, kịch, trình diễn thời trang. Đó là cách học rất mới của dự án Văn học với tên gọi “Thế giới có bao xa” do thầy và trò Trường THPT Trưng Vương vừa thực hiện.
Bữa tiệc văn hóa và kiến thức văn học
Mở đầu tiết học, lớp học được tổ chức thành 5 gian hàng giới thiệu món ăn và trang phục truyền thống, một số nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia gồm Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Âu - Mỹ Latinh.
Nguyễn Ngọc Quỳnh Tiên, học sinh lớp 11A9, Trưởng nhóm văn học Âu - Mỹ Latinh, cho biết giáo viên hướng dẫn chỉ gợi ý phạm vi đề tài cần thể hiện, còn lại tất cả nội dung - từ trình bày gian hàng, giới thiệu tác phẩm văn học nổi bật đến hình thức thể hiện - đều do các em tự bàn bạc và lên kế hoạch thực hiện.
“Lúc đầu khi có bạn đề xuất ý tưởng trình diễn bài hát Castle on the clouds, trích từ vở nhạc kịch Những người khốn khổ, và nhảy điệu cowboy đặc trưng của các nước Mỹ Latinh, tụi em đã lo sợ không chuyển tải hết tinh thần của các tác phẩm. Nhưng nếu không bắt tay vào thực hiện thì sẽ không biết giới hạn của mình đến đâu, nên cả nhóm đã quyết tâm làm bằng cách liên tục tải các đoạn video clip trên mạng, xem đi xem lại và tập dượt rất nhiều lần, mới đủ tự tin trình diễn trước các bạn”, Quỳnh Tiên cho biết.
Tương tự, ở nhóm văn học Nga, các bạn học sinh đã giới thiệu vở kịch rối Nàng Vasilisa xinh đẹp, một trong những tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng của xứ sở bạch dương, và trình diễn ca khúc Thời thanh niên sôi nổi, làm sống lại không khí quật cường của người dân Nga những năm chiến tranh vệ quốc.
Dùng hình thức kịch rối để mang đến cách tiếp cận riêng về văn học Nga
Ở nhóm văn học Nhật Bản, ngoài việc giới thiệu dòng thơ Haiku đặc trưng, nhóm nghiên cứu còn đặt văn học Nhật Bản trong sự tương quan so sánh với văn học Hàn Quốc, qua đó giới thiệu một số nét văn hóa đặc trưng chung của 2 quốc gia này.
Đặc biệt, với phần trình diễn bài hát Stand by me, viết lời dựa theo tác phẩm Điều kỳ diệu ở nhà giam số 7 của văn học hiện đại Hàn Quốc, nhóm tác giả đã khiến người xem bật khóc khi tái hiện hoàn cảnh đau xót của người cha “có trí tuệ không bình thường” với cô con gái duy nhất khi ông này đối mặt với mức án tử hình. Câu chuyện không dừng lại ở một nền văn hóa của một dân tộc mà đã nâng lên thành thông điệp về tình yêu thương.
Sau phút giây lắng đọng, đến với nhóm văn học Ấn Độ, người xem sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi học sinh tái hiện một trích đoạn trong vở kịch kinh điển Ramayana. Từ trang phục, đạo cụ, lời thoại đến “thần thái” biểu cảm trên gương mặt của từng nhân vật đều được các em chuyển tải thành công.
Riêng với nhóm văn học Trung Quốc, vốn khá quen thuộc với giới trẻ Việt Nam qua các bộ phim, tác phẩm văn học kinh điển, nên nhóm học sinh đã lựa chọn hình thức trình diễn thời trang để khắc họa rõ nét hơn đặc trưng văn hóa của đất nước này.
Đổi mới cần đi vào thực chất
Là một trong những khách mời nghe báo cáo dự án, cô Trương Thị Quỳnh Anh, giáo viên Tổ Ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết rất bất ngờ trước sự năng động, tự tin của học sinh.
“Trước giờ khi triển khai các tiết dạy học theo dự án, giáo viên thường cố gắng lồng ghép kiến thức các môn Văn học, Lịch sử, Địa lý để qua đó giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về các môn văn hóa xã hội. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một tiết học Văn với đầy đủ cung bậc cảm xúc, biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn, chủ động và sáng tạo nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật trên thế giới, trong đó có không ít bộ môn chưa được các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu như kịch rối, nhạc kịch”.
Đồng quan điểm, Hà Uyên Minh, học sinh lớp 10A7 Trường THPT Trưng Vương, bày tỏ: “Học Văn tuy không khó, nhưng từ trước đến nay, kiến thức vào đầu em một cách gượng ép bằng hình thức duy nhất là đọc sách. Hôm nay, phần trình bày của các anh, chị đã giúp em thấy rõ được sự thú vị, sức ảnh hưởng to lớn của các tác phẩm văn học. Em ước gì môn học nào kiến thức cũng được chuyển tải một cách nhẹ nhàng như thế”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Tổ Ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, một trong 2 đồng tác giả của dự án văn học này, cho biết dựa trên ý tưởng kết hợp các tác phẩm văn học nước ngoài trong chương trình môn Ngữ văn lớp 10 và 11, các giáo viên đã đặt 5 nền văn học nổi tiếng ở cạnh nhau, đồng thời khai thác văn học qua góc nhìn văn hóa nhằm giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các nền văn học nước ngoài một cách gần gũi, sinh động.
Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi tìm hiểu, cũng như trân trọng cảm nhận riêng của chính các em về từng nền văn hóa, sẽ giúp học sinh có cái nhìn bao quát và trọn vẹn hơn về các nền văn học trên thế giới.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của những người thực hiện, một tiết dạy học theo dự án để đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự đồng lòng, quyết tâm của cả giáo viên lẫn học sinh. Trung bình, trước mỗi buổi báo cáo, các em phải mất 3 - 4 tháng sưu tầm tài liệu, lên ý tưởng và triển khai thực hiện.
Thêm vào đó, theo Th.S Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, phương pháp dạy học theo dự án một mặt có thể rèn luyện cho học sinh kỹ năng lập kế hoạch, phản biện và làm việc nhóm hiệu quả, nhưng nếu giáo viên không theo sát quá trình chuẩn bị của các em, sẽ xảy ra tình trạng bạn làm nhiều, bạn làm ít, gây ảnh hưởng công bằng về điểm số giữa các em.
Do đó, các trường không nên hô hào đổi mới theo phong trào mà cần đi sâu vào thực chất, đặt quyền lợi người học vào một trong những mục tiêu của đổi mới phương pháp giảng dạy.