Dạy học sinh chủ động bày tỏ để được giúp đỡ

Trong hai ngày 8 và 9-5, hơn 2.500 học sinh ở ba khối 10, 11 và 12, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) đã tham gia chương trình tư vấn tâm lý với chủ đề “Chạm tới yêu thương - Phòng chống bạo lực học đường”.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ lắng nghe chia sẻ tại buổi sinh hoạt sáng 9-5
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ lắng nghe chia sẻ tại buổi sinh hoạt sáng 9-5

Tại chương trình, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống Nguyễn Hiểu Linh phân tích, độ tuổi học sinh cấp 3 chịu nhiều áp lực từ các mối quan hệ tình cảm bạn bè, kết quả học tập, định hướng nghề nghiệp. Nhiều em vô thức trở thành người gây ra bạo lực, tổn thương người khác mà chính các em không hề hay biết.

Khi xảy ra mâu thuẫn, thầy cô thường động viên học sinh phải mạnh mẽ, tự tin nhưng làm sao để mạnh mẽ, tự tin thì không phải ai cũng được chỉ dẫn một cách cụ thể. Bên cạnh đó, bố mẹ và thầy cô dù quan tâm, yêu thương các em cách mấy cũng không thể suốt ngày hỏi “Con có bị bạo lực học đường không?” vì sẽ tạo cho học sinh cảm giác bị giám sát. Thay vào đó, cần kịp thời cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp học sinh chủ động đối phó với vấn đề của mình, sẵn sàng nói ra những suy nghĩ, khó khăn để được chia sẻ và giúp đỡ.

Các chuyên gia cũng cho biết, trách nhiệm giáo dục một đứa trẻ không phải là việc của riêng nhà trường mà cần sự đồng hành, phối hợp từ nhiều phía gồm gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, tạo cho học sinh hành lang bảo vệ an toàn trước các tác động xấu từ môi trường mạng.

Tin cùng chuyên mục