Bở hơi tai học cùng con
Có mặt tại nhà chị T.T., phụ huynh có con đang học lớp 3, một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM vào ngày 4-2, chúng tôi chứng kiến cả buổi sáng 2 mẹ con vật lộn với 3 tiết học tiếng Anh, tiếng Việt và Toán.
Ở môn tiếng Anh, giáo viên tổ chức bài học dưới dạng trò chơi tương tác, trả lời câu hỏi, học sinh nào có đáp án nhanh nhất sẽ được nhận điểm thưởng của cô giáo. Tuy nhiên, các câu hỏi liên tục bị ngắt quãng do đường truyền mạng yếu, học sinh gõ đáp án vào phần trò chuyện nhưng cô không nhận được.
Đến giờ học môn tiếng Việt, với yêu cầu đọc - hiểu bài tập đọc “Nhà bác học và bà cụ”, giáo viên lần lượt cho học sinh đọc 4 đoạn văn được chia nhỏ trong bài. Do tín hiệu mạng chập chờn liên tục nên một số bạn đọc không rõ tiếng, có bạn micro trục trặc nên không thể hoàn thành yêu cầu đọc diễn cảm của cô giáo. Riêng giờ học môn Toán với bài “Luyện tập nhân số có 4 chữ số với số có 1 chữ số”, các phép tính lần lượt hiện ra trên màn hình. Học sinh được yêu cầu làm vào vở tự học hoặc sách Toán, sau đó đối chiếu với đáp án của cô hiện trên màn hình.
Sau buổi học, giáo viên tổng kết có 28 học sinh tham gia lớp học trực tuyến nhưng chỉ 20 bạn tương tác. Dù các giờ học thiết kế cách nhau 10 phút nhưng vì phải vừa dạy vừa xử lý trục trặc kỹ thuật nên học sinh không có thời gian giải lao, càng về trưa cả mẹ và con đều đuối...
Cùng cảnh ngộ, anh Quốc Minh, phụ huynh có con học lớp 6 một trường THCS ở quận 5, cho biết, con được cấp tài khoản học trực tuyến từ đầu năm học nhưng cả học kỳ 1 gần như không sử dụng. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch nên thầy trò phải gặp nhau qua màn hình vi tính, hàng loạt sự cố như quên mật khẩu, lỗi font chữ, file bài giảng không mở được, học sinh không nghe rõ giáo viên nói… khiến giờ học liên tục đứt quãng. Riêng đối với học sinh các khối 7, 8, 9 đã có kinh nghiệm học online từ học kỳ 2 năm học trước nên tham gia các lớp học trực tuyến dễ dàng hơn.
Song, nhìn chung các em đều phản ánh, các đoạn video clip bài giảng chưa được thầy cô cập nhật so với năm ngoái do thời gian triển khai gấp rút. Việc tổ chức ghi hình hay thay đổi nội dung bài học cần mất ít nhất 2-3 ngày thực hiện chứ không thể làm trong một sớm một chiều. Nhiều trường hợp phụ huynh phải chấp nhận chở con qua nhà bạn cùng lớp học chung để có thêm động lực học, ngoài đảm bảo các điều kiện về học trực tuyến.
Tùy điều kiện tiếp nhận của học sinh
Do triển khai trong điều kiện thời gian gấp rút nhưng nhiều trường từ tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đã hướng dẫn học sinh truy cập kho học liệu sẵn có trên các phần mềm 789.vn, lms.edu.vn hoặc video clip bài giảng đăng tải trên website trường để ôn tập và củng cố kiến thức.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1), cho biết, ngay sau khi có thông báo về việc học sinh tạm dừng đến trường của UBND TPHCM, trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên bộ môn, đồng thời thông báo cho phụ huynh học sinh để gia đình và nhà trường cùng phối hợp trong việc hỗ trợ học sinh học trực tuyến.
“Lần học trực tuyến này chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng là cơ hội tốt cho các trường rà soát phương tiện kỹ thuật, giáo viên cập nhật lại kho dữ liệu và phương pháp dạy học, phụ huynh trang bị bổ sung cho con tai nghe, microphone phục vụ học trực tuyến. Nếu sau kỳ nghỉ tết, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thầy và trò sẽ tự tin triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian dài”, cô Trần Thúy An bày tỏ.
Theo đại diện các đơn vị, căn cứ vào kế hoạch phân bổ chương trình, tuần học trước và sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu được gộp chung thành một tuần lễ chuyên môn do dành thời gian cho các hoạt động lễ hội. Trong tình hình dịch bệnh, lễ hội xuân ở các trường đều bị hủy bỏ, dạy học trực tuyến chủ yếu cho học sinh ôn tập và hệ thống kiến thức chứ chưa triển khai chương trình mới.
Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 12 cho biết, trường tổ chức cho phụ huynh khai báo thông tin đi lại trong dịp tết. Kết quả, hơn 30% học sinh có kế hoạch về quê ăn tết sớm cùng gia đình nên không tham gia học trực tuyến. Những trường hợp còn lại, học sinh chủ yếu ở nhà với ông bà, người giúp việc do cha mẹ phải đi làm. Các tổ bộ môn thống nhất là giáo viên chủ yếu giao bài tập cho các em làm thêm ở nhà, tránh việc rảnh rỗi sa đà chơi game chứ không yêu cầu khắt khe về kiểm tra kiến thức trong thời gian này.