Ai cũng biết dạy học trong kỷ nguyên 4.0 khác hẳn với việc dạy học ở thế kỷ 20 hoặc những thế kỷ trước. Thực tế, thầy giáo trước đây biết rất nhiều, thậm chí đám trẻ con thế hệ 5X như chúng tôi còn nghĩ thầy giáo là người “biết tuốt”, biết tất tần tật những điều mà người thường không biết.
Thật sự cũng không sai là bao bởi những kiến thức thuộc về khoa học cơ bản cũng như những kinh nghiệm thực tế ở những thế kỷ trước không quá nhiều và ít thay đổi nên một người thầy uyên bác có thể “biết tuốt”.
Ngày nay, khối lượng kiến thức và kinh nghiệm của loài người thay đổi vô cùng nhanh chóng. Nhiều người cho rằng, khối lượng tri thức ngày nay tăng gấp đôi chỉ trong vòng bốn đến sáu năm. Nếu điều này đúng thì chỉ cần học hết tiểu học, các bạn học sinh lớp 6 đã có thể không biết những kiến thức mà các bạn học sinh lớp một học sau họ 5 năm.
Như vậy, trong cuộc đời đi học của một người, chỉ nói ở bậc phổ thông thì số lượng kiến thức học sinh nhận được sau 5 năm với thế hệ trước có thể đã tăng gấp hai đến ba lần so với thế hệ đàn anh.
Dạy học trong kỷ nguyên mới không thể theo kiểu biết gì nói nấy hoặc thậm chí biết mười nói một, bởi ngay cả khi biết mười nói một thì ông thầy cũng khó có khả năng biết được tất cả những thay đổi về mặt khoa học, kinh nghiệm trong nghề nghiệp của mình, trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Vì thế, dạy học trong kỷ nguyên 4.0 sẽ khác nhiều so với việc dạy học truyền thống trước kia. Nhà trường ngày nay không phải chỉ là nơi duy nhất truyền đạt kiến thức cho học sinh. Kiến thức mà người học có được không hẳn chỉ ở trong khuôn viên nhà trường, trong lớp học. Người học có thể nhận được nhiều hơn thế từ ngoài nhà trường.
Thế nên, việc dạy học ngày nay không giống xưa: học trò không phải là cái “bình rỗng” để người thầy rót vào đó mọi kiến thức mà người thầy hoặc ngành học đó có được. Không thể mở rộng mãi thời gian học trong nhà trường phổ thông và đại học vì lý do khối lượng kiến thức ngày càng nhiều, nhà trường trong xã hội ngày nay cần phải thay đổi cách tiếp cận việc học của người học.
Người học trở thành người chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức cho chính mình và người thầy giờ lại chỉ là người hướng dẫn người học tự tìm kiếm kiến thức, thực hành các kiến thức học được để hình thành năng lực cho mình là xu hướng của giáo dục hiện đại.
Chính vì thế, vai trò của giáo dục, của người thầy trong xã hội hiện đại khác xa với người thầy của những thế kỷ trước. Việc lựa chọn kiến thức cần thiết để giảng dạy trong nhà trường, nhất là nhà trường phổ thông là điều mà nhiều phụ huynh và xã hội quan tâm. Giáo dục hiện đại không phải là việc cung cấp cho người học những kiến thức, kinh nghiệm mà nhân loại đã đúc kết.
Cao hơn cả, giáo dục ngày nay còn phải làm một chức năng đặc biệt: làm cho người học thích ứng với cuộc sống tương lai - đoán định và làm chủ tương lai của họ. Người thầy giáo trong xã hội hiện đại được coi là thành công nếu họ giúp cho người học tự tin, biết nhìn nhận và phản biện, biết sáng tạo, có khả năng làm chủ cuộc sống của mình cả hiện tại và tương lai.
Đợt dịch Covid-19 vừa qua ở nước ta đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Sẽ không thể là cuộc trốn chạy của nhiều người lao động từ TPHCM về các tỉnh thành, nơi mà chỉ ngay trước đó họ đã phải rời xa để kiếm công ăn việc làm.
Bỗng chốc họ bỏ lại tất cả để tiếp tục chịu những sự rủi ro khác cho chính họ và cho cả cộng đồng nơi họ rời bỏ, để trở lại quê hương: không có công ăn việc làm ở quê trong khi TPHCM lại đang rất cần những người lao động như họ. Nếu được dạy để chung sống, đoán định và làm chủ được cuộc đời mình, tôi chắc rằng những học sinh kỷ nguyên 4.0 sẽ không ứng xử như cha, anh họ mấy ngày qua...
Dạy học là một nghề sáng tạo. Thầy cô giáo không thay đổi mình thì không thể tạo ra sự thay đổi tương lai của mọi thế hệ học trò.