Thậm chí có nơi người dân sinh sống ổn định cả chục năm rồi nhưng các công trình phúc lợi, tiện ích chỉ có “trên giấy”. Tình trạng này đang gây bức xúc cho người dân tại nhiều khu dân cư tại TPHCM.
Công trình phúc lợi… trên giấy
Anh Nguyễn Phong, cư dân chung cư Đạt Gia (đường Cây Ke, phường Tam Phú, TP Thủ Đức) cho biết, khu dân cư mới do Công ty CP NVT làm chủ đầu tư, có quy mô gồm 3 khối nhà cao tầng, khu biệt thự, khu tái định cư. Khu dân cư đã được đưa vào sử dụng gần chục năm nay, với 2.000 hộ gia đình, khoảng 10.000 nhân khẩu. Ngày khởi công xây dựng, chủ đầu tư quảng bá khu dân cư mới có đầy đủ các công trình công ích, phúc lợi như khu tái định cư, hồ bơi, siêu thị, công viên… Nhưng gần chục năm nay, trường học vẫn chưa có, khu tái định cư vẫn là bãi đất trống. Con em trong khu dân cư phải tỏa đi các nơi tìm chỗ học. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Tại chung cư Khang Gia Gò Vấp (phường 14, quận Gò Vấp) do Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư gồm 3 block, với gần 1.150 căn hộ cũng trong tình trạng thiếu công trình phúc lợi. Nhiều người dân bức xúc: “Khi chào hàng giới thiệu dự án, chủ đầu tư quả quyết giữa 3 khối nhà A, B, C là hệ thống công viên cây xanh, sân tập thể dục thể thao, hồ bơi, đường nội khu… Khu vực trung tâm dự án được giới thiệu dành cho sinh hoạt cộng đồng nhưng đã nhiều năm rồi vẫn là bãi cỏ trống. Công trình ngổn ngang với hàng loạt cột bê tông, gạch đá dang dở. Vào mùa mưa, bãi đất đá trở thành ao tù nước đọng, mất cảnh quan đô thị. Trong khi các công trình phúc lợi bỏ trống, còn phần diện tích được giới thiệu là lối đi bộ cho cư dân, chủ đầu tư sử dụng làm bãi giữ xe”.
Tương tự, tại Khu dân cư Nam Hòa (phường Phước Long A, TP Thủ Đức), do Công ty Đầu tư và xây dựng Thanh Niên Xung Phong làm chủ đầu tư, không chỉ thiếu vắng các công trình phúc lợi mà 2.000m2 đất công viên cũng bị chiếm dụng để làm nhà hàng, quán cà phê, bãi giữ xe. Đã hơn 10 năm nay, cư dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp đề nghị chủ đầu tư sớm trả đất công viên cây xanh về cho cư dân, đầu tư xây dựng công viên để bà con có chỗ sinh hoạt cộng đồng, nhưng vẫn không kết quả.
Trách nhiệm không của riêng ai
Hầu hết tại các khu dân cư mới không có công trình phúc lợi, hoặc xây dựng bầy hầy kéo dài là do chủ đầu thiếu trách nhiệm, không giữ đúng lời hứa với người dân. Khi mở bán căn hộ, chủ đầu tư in tờ rơi, dựng pa nô và sử dụng phương tiện truyền thông quảng bá hàng loạt công trình phúc lợi kèm theo. Thế nhưng, khi đã bán được căn hộ, người dân vào ở là chủ đầu tư lại chây ỳ, cố tình trì hoãn xây dựng các công trình công ích, phúc lợi.
Nhiều người dân ở chung cư Khang Gia Gò Vấp cho biết, bà con nhiều lần đề nghị chủ đầu tư, làm đơn gửi lên chính quyền các cấp, Sở Xây dựng TP đề nghị yêu cầu chủ đầu tư sớm xây dựng hệ thống công trình hạ tầng phúc lợi nhưng không chuyển biến.
Tại một số khu dân cư, nguyên nhân của việc không có hạ tầng, công trình công ích là do thủ tục hành chính về xin giấy phép thi công, xây dựng quá rườm rà, phức tạp. Ông Nguyễn Viết Tạo, Tổng Giám đốc Công ty CP NVT, cho biết, theo quy định mới, đất trong dự án do công ty giải phóng mặt bằng, làm chủ đầu tư nhưng để xây dựng trường học phải chờ đấu giá, chứ không được giao đất. “Gần chục năm nay, công ty nhiều lần đề nghị xây trường học, nhưng Sở KH-ĐT TPHCM vẫn chưa hoàn thành thủ tục đấu giá đất nên đành ngồi chờ”, ông Tạo cho biết.
Theo Luật sư Đinh Công Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đinh Công Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), việc để các khu dân cư mới trắng hạ tầng có trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước và sự thiếu biện pháp chế tài của văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lý do chính là thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Đất công viên, giao thông… trong các dự án bất động sản đều được quy định sau khi hoàn thiện sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng đầu tư phần hạ tầng để bán như khuôn viên, đường chính đi vào khu dự án, nên khi bán xong là né đầu tư các tiện ích hạ tầng. Do vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các công trình phúc lợi trước khi cấp sổ đỏ, sổ hồng, khi đó sẽ buộc trách nhiệm để chủ đầu tư thực hiện xây dựng các hạng mục công trình phúc lợi cho cư dân. Biện pháp chế tài cũng cần áp dụng nghiêm khắc hơn.
“Điều 13 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi chậm bàn giao dự án theo tiến độ 40 - 50 triệu đồng nhưng trên thực tế, mức phạt này chưa đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản”, Luật sư Đinh Công Hưng nhấn mạnh.