Ngày Gạo Lức còn nhỏ, thím Hai cứ cho nó ngồi giỏ xe đẩy khắp siêu thị. Mẹ mua gì cũng cho Gạo Lức cầm bỏ vào xe. Thế rồi, Gạo Lức lớn đã biết chọn hàng đẩy xe phụ mẹ. Ngày nào được đi mua hàng với mẹ là ngày đó Gạo Lức hăng hái như được mẹ tin tưởng giao chuyện quan trọng của gia đình.
Về nhà, nhiệm vụ tiếp theo của Gạo Lức là cùng mẹ chọn lựa thức ăn nào để hộp cất ngăn đá, rau thì gói giấy để vào ngăn rau… Việc nhà làm từ nhỏ thấy quen nên cu cậu làm khá tự nhiên, không cảm thấy bị mẹ sai khiến. Gạo Lức lớn hơn một chút, mẹ dạy tập nêm nếm, rửa rau, rửa chén bát.
Nhìn một cậu bé mới 9 tuổi tự biết nấu mì rau thịt, tự biết bưng lên bàn, ăn xong tự dọn chén, lau bàn rồi mới đi học là một hình ảnh mơ ước của nhiều bà mẹ. Ngày sinh nhật Gạo Lức, mẹ cho mời bạn bè đến nhà. Mẹ chỉ giúp Gạo Lức những phần việc khó như nấu súp, làm gỏi, còn đa phần Gạo Lức tự tổ chức và hướng dẫn bạn cùng làm như chiên khoai tây, cuốn chả giò.
Bạn bè Gạo Lức rất vui khi được tham gia phụ nấu ăn như một trò chơi tự khám phá. Ăn xong, các bạn cùng dọn dẹp sạch sẽ, xếp đồ đúng chỗ rồi mới mở quà. Kết thúc buổi sinh nhật là màn cắt bánh. Lúc bấy giờ Gạo Lức mới lấy kem ra để nặn chữ, bắt bông trước sự ngạc nhiên và hứng thú của các bạn. Có vài bạn đã về kể lại với ba mẹ và bày tỏ cũng muốn được như Gạo Lức. Được bạn bè ngưỡng mộ, Gạo Lức vui lắm. Chính những điều đơn giản này đã giúp cậu bé trưởng thành và sống tự tin.
Bây giờ ba má Gạo Lức yên tâm khi vắng nhà một vài ngày. Cậu tự lo được cho mình và sống vẫn rất ngăn nắp, chỉn chu. Càng lớn, Gạo Lức càng coi việc gia đình nhẹ nhàng như hơi thở. Ra khỏi nhà, chuyện trong lớp học, hay các bác hàng xóm cần giúp đỡ, Gạo Lức đều vui vẻ nhận lời.
Sự cởi mở, chân thành không dựa dẫm, không ỷ lại có lẽ cũng bắt đầu từ cách sống mà cha mẹ đã tập cho Gạo Lức từ nhỏ. Dạy con ý thức tự lập, biết nâng niu trân quý từ bữa ăn của mình là một việc ai cũng có thể làm được. Cách yêu con theo kiểu hàng ngày hỏi: “Hôm nay con muốn ăn gì?” xem ra không còn hay nữa.