Hãy để con sống với hiện tại
Làm cha mẹ là một “nghề nghiệp” trọn đời hết sức thiêng liêng, cao cả nhưng cũng đem lại không ít thách thức và khổ đau. Khi con cái trưởng thành nên người hoặc công thành danh toại thì cha mẹ nào cũng mãn nguyện, nở nụ cười lung linh hạnh phúc.
Thế nhưng khi chúng bị liệt vào thành phần hư, không ngoan, không nghe lời hoặc gây ra nhiều hậu họa, làm khổ các bậc sinh thành thì họ không thể không rơi lệ, than thân trách phận… Có không ít bà mẹ đã thốt lên câu đau khổ tột cùng: “Tôi bất hạnh! Tôi hoàn toàn thất bại trong việc dạy con…”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại trong việc nuôi dạy con cái. Và trong hành trình tìm kiếm cách thức nuôi dạy con cho phù hợp, nhiều cha mẹ đối mặt với vấn đề nan giải là chọn giáo dục con thành công hay hạnh phúc? Bởi lẽ, có thể con thành công nhưng chưa chắc hạnh phúc.
Lý giải câu hỏi này, Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương nói rằng: “Không nên phân định rõ tư duy theo kiểu trắng hay đen này và mỗi đứa trẻ có năng lực, sở thích khác nhau nên áp dụng lối dạy khác nhau”.
Đưa ra dẫn chứng về việc nếu không hiểu rõ con mình làm được việc gì tốt nhất mà cứ đẩy con chạy theo mơ ước chưa thành của cha mẹ, vị tiến sĩ này khẳng định rằng, hãy để con sống trọn vẹn với hiện tại. Bởi một đứa trẻ không giỏi đủ để học lên đại học, trở thành bác sĩ, luật sư, dù đã tận lực, quyết tâm học, chuyên trú với trách nhiệm của mình thì vẫn có giá trị hơn nhiều lần những đứa con phung phí năng lực, làm việc gì cũng nửa chừng, bỏ cuộc, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, mọi người. Hoặc một học sinh cứ đắm chìm trong ganh đua, dốc sức cho ánh hào quang thành đạt để rồi khi đạt được điều mình muốn - giàu sang danh vọng thì lại rơi vào trầm cảm, oán hận và cô đơn.
Minh chứng này cho thấy, tuổi trẻ cần được sống trọn vẹn với thực tại để không tiếc nuối đã đi ngang cuộc đời một cách hờ hững, thiếu trách nhiệm, thiếu đam mê.
Chắp cánh cho con bay xa
Tại buổi tọa đàm “Dạy con trong hoang mang” do Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chủ trì tại đường sách của TP gần đây, nhiều phụ huynh đã bày tỏ tâm tư, lo lắng, kể cả sự hoang mang, bối rối trong việc lựa chọn cách dạy con cái thời hiện đại. Đó không chỉ là vấn đề khủng hoảng giữa lối dạy con theo truyền thống và hiện đại, mà còn là những băn khoăn, có nên chọn giáo dục sớm, từ thai giáo hay không…
Chị Dạ Hằng có con gái đang bước vào tuổi teen (13 tuổi), cảm thấy hoang mang trước hai lối dạy con nghiêm khắc và khoan dung. Thấy cháu gái học không đạt điểm cao, họ trách móc mình dễ dãi, chiều con… Theo chị, đúng là thế hệ cha mẹ mình dạy con theo lối truyền thống nghiêm khắc thì hiệu quả nhưng thời nay nếu áp dụng lối dạy cứng nhắc này thì con trẻ không dễ nghe theo và sẽ phản kháng cha mẹ.
Một phụ huynh có con nhỏ cũng chia sẻ trăn trở về việc không kìm nén được cảm xúc và la mắng con. Chị lo sợ điều này có khiến con bị tổn thương hay không?
Theo lời khuyên của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc và biết cách nói cho con hiểu những sai phạm thay vì la lối khiến chúng sợ hãi, có thể bị tổn thương về tâm lý, tâm hồn.
Chia sẻ câu chuyện dạy con chưa đúng của cha mẹ mình, Bảo Trâm, sinh viên năm thứ 4 (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) bộc bạch rằng: “Thời còn nhỏ đến lúc trưởng thành, tôi thường bị cha mẹ kiểm soát chặt chẽ và không bao giờ đồng hành với những ước mơ, đam mê lẫn dự định được trải nghiệm, thử sức với bản thân. Vì thế, tôi luôn giấu giếm mọi suy nghĩ, ý tưởng, dự định… Cho đến một ngày, tôi đã thuyết phục họ cho tôi xa nhà 2 tháng để trải nghiệm cuộc sống, thử thách với đam mê của mình. Từ đó, tôi đã thay đổi được tư duy, lối dạy bảo bọc, lo sợ quá mức của cha mẹ mình. Từ bài học này, cô gái trẻ gửi đi thông điệp: “Cha mẹ hãy dũng cảm chắp cánh cho con cái bay theo ước mơ của chúng thì chúng sẽ được trải nghiệm với thử thách, được sống với chính mình nhiều hơn...”.
Đúc kết và chia sẻ bí quyết dạy con khoa học, hợp lý trong cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhấn mạnh, khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con, phụ huynh hãy tự chuyển hóa mình để dạy con cho đúng lối. Theo đó, hãy hóa giải những đau khổ trong tâm hồn mình và đừng biến con cái thành phương tiện, phải hy sinh làm vật thí nghiệm cho ước muốn cao xa của mình.
“Nếu chúng ta làm con chúng ta trở nên bạc nhược, yếu đuối, phục tùng chúng ta vô điều kiện thì đó là con đường dẫn con em chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực. Và nếu chúng ta sử dụng bạo lực đối với chúng hay dung túng sự ích kỷ, cường quyền và xem bạo lực là cách giải quyết vấn đề nhanh gọn nhất hay khôn ngoan nhất thì chúng ta sẽ tạo ra những đứa trẻ sẵn sàng dùng bạo lực trong nhà trường và sau này cả trong xã hội”, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đúc kết và đưa ra lời khuyên.