Con hư tại ai?
Vì hiếm muộn nên lấy nhau gần 10 năm, hai vợ chồng chị Oanh, chủ một cơ sở sản xuất gỗ bề thế mới sinh được cậu con trai như ý nguyện. Từ nhỏ cu Tin đã bội thực tình thương yêu của cha mẹ và hai bên nội, ngoại. Những gì tốt nhất, món ăn nào ngon nhất, điểm vui chơi nào thú vị nhất, mới nhất, quý tử này điều được ưu tiên thưởng thức. Vì là cục cưng, sống trong “nhung lụa” nên cu Tin chỉ biết nhận và chẳng mấy khi biết cho đi hay chia sẻ với bạn bè cùng lứa. Vì thế, khi đến trường, cậu ấm này thể hiện sự ích kỷ, không tự làm những việc có thể làm được mà đòi hỏi bạn bè, thầy cô giáo phải quan tâm đến mình.
Do không biết cách sống hòa đồng, thân ái với bạn bè lại thêm tâm lý bất ổn, không tập trung vào bài giảng nên kết quả học của Tin ở bậc tiểu học chỉ nhàng nhàng. Nhưng do mẹ Tin “chăm sóc” cô giáo chủ nhiệm quá chu đáo nên tổng điểm cuối năm của Tin luôn được nâng cao hơn sức học. Tuy nhiên, đến bậc THCS, Tin trở thành nhân vật cá biệt vì cái tôi quá lớn, sống thiếu trung thực, ỷ thế con nhà giàu muốn gì được nấy. Bị bạn bè cô lập, tẩy chay không chịu chơi cùng, học cùng, Tin càng xấu tính hơn. Vì lười học bài nên khi làm bài kiểm tra, Tin hay tìm cách copy bài của bạn hoặc gian lận. Bị bạn bè nhắc nhở thì Tin phản ứng tiêu cực bằng cách trả thù vặt hoặc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề chứ không chịu sửa chữa. Thậm chí khi bị giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, khiển trách vì thái độ học tập, ứng xử không đúng chuẩn, Tin còn phản ứng thiếu văn hóa, không nhận ra lỗi lầm…
Thấy Tin có nhiều biểu hiện bất ổn về tâm lý, hành vi, giáo viên chủ nhiệm đã mời mẹ Tin lên trường trao đổi, tìm hiểu thêm về tính tình, thái độ và cách nuôi dạy con của gia đình. Thì ra, cha mẹ Tin thừa tiền, lắm của nhưng lại thiếu kiến thức, kỹ năng dạy con. Vì thuở nhỏ sống trong gia cảnh nghèo khó nên khi có của ăn của để, họ muốn bù đắp cho cậu quý tử những gì tốt nhất. Điều khiến cô giáo chủ nhiệm của Tin thất vọng là họ thậm chí cũng không nhìn thấy khiếm khuyết của con về tâm hồn…
Chia sẻ về trường hợp học sinh “cậu ấm” cá biệt, cô chủ nhiệm dạy lớp bảy của Tin lắc đầu: “Nhiều gia đình thời nay khá giả, có điều kiện về kinh tế nhưng lại thiếu phương pháp, kỹ năng dạy con thành người, biết cách sống tử tế, chuẩn mực. Khi trẻ hư, học sinh không ngoan thì xã hội lại đổ lên vai ngành giáo dục, thầy cô…”. Trường hợp của Tin không phải cá biệt. Rất nhiều phụ huynh Việt sinh con nhưng chỉ biết nuôi, cho con thụ hưởng mọi thứ mà xem nhẹ việc dạy dỗ, vun đắp cho tâm hồn trẻ về cảm xúc, nhận biết đúng sai về các giá trị sống, ứng xử có văn hóa. Một mình nhà trường không thể giáo dục học trò nên người, sống đạo đức, tử tế, nếu giáo dục gia đình bị khiếm khuyết, lệch chuẩn từ khi các em được sinh ra.
Được dạy điều tử tế, nhân văn, học sinh sẽ biết ứng xử thân thiện, biết chia sẻ cùng nhau
Dạy con đạo lý làm người
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây nhiều hiệu trưởng ở TPHCM than thở rằng, phụ huynh thời nay đang tiếp tay làm hư con cái của mình. Một hiệu trưởng ở một trường điểm thuộc quận trung tâm kể lại câu chuyện buồn về việc một phụ huynh có chức, có quyền sính bệnh thành tích. Thấy con trai chỉ được xếp học lực tiên tiến vì có một môn chính dưới điểm 8, đã đến trường xưng danh đang làm ở một cơ quan nhà nước, gia đình có truyền thống học giỏi đỗ cao nên con mình không thể học như thế. Dù được nhà trường giải thích là điểm đã được công bố tại hội đồng sư phạm và không ai được quyền sửa bảng điểm nhưng phụ huynh này tỏ ra không hài lòng. Theo cô hiệu trưởng, phụ huynh này không chỉ dạy con cách sống ảo, chạy theo thành tích, thiếu thực chất mà còn tiếp tay cho lối sống thiếu trung thực, xem thường các giá trị cốt lõi để thành nhân trước khi thành tài”.
Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ em thời nay khó dạy dỗ, khó uốn nắn vì chúng được nhận nhiều hơn là cho và ít có cơ hội để thử thách, trải nghiệm cuộc sống đa sắc màu, đủ mùi vị. Vì được cha mẹ bảo bọc, chiều chuộng, không được dạy nhìn xuống nên một bộ phận trẻ em lớn lên vô cảm, sống ích kỷ, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Hơn nữa, sự nuông chiều thái quá cộng với công thức nuôi con theo kiểu “gà công nghiệp”, chỉ nhồi nhét thức ăn, bắt học nhiều kiến thức nhưng không cho tự do chạy nhảy, đối mặt với khó khăn, nên một bộ phận trẻ em Việt lớn lên yếu đuối, thiếu bản lĩnh. Cũng vì một số cha mẹ không chú trọng dạy trẻ sống trung thực, tử tế và bản thân chưa làm tấm gương để trẻ noi theo đã không ươm mầm giá trị sống tốt đẹp nhân văn. Cảnh báo về thực trạng văn hóa xuống cấp, trong đó nhiều giá trị đạo đức, truyền thống gia đình Việt đang bị lu mờ, thậm chí đảo lộn, diễn giả văn hóa Hồ Nhật Quang đã nhắc nhở các bậc phụ huynh, phải lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống tốt đẹp, trong đó chú trọng giá trị Việt: “Dạy con đạo làm người”.
Trước xu thế xã hội hiện đại phát triển nhanh và du nhập nhiều luồng văn hóa, lối sống khác nhau, các bậc phụ huynh cần có kiến thức, kỹ năng, chọn lọc kỹ thông tin để dạy dỗ con cái theo hướng hiện đại nhưng không đánh mất giá trị truyền thống Việt. Đó là nuôi dưỡng đạo lý làm người, sống có cảm xúc, biết sẻ chia với cộng đồng và hành xử nhân văn, tử tế.