Thể hiện tình thương
Minh Hà kể, trên đường đi học con gặp một em nhỏ xin ăn ở điểm dừng đèn đỏ gần trường, lúc đó 2 người bạn cùng lớp của Minh Hà đều được ba mẹ cho tiền để tặng em, còn Minh Hà thì không. Vậy là nguyên ngày hôm đó, cô bé bị các bạn cho vào danh sách những học sinh không tốt, không biết thương người nghèo. Nghe con gái kể, anh Minh Quang cũng chạnh lòng. Không ít lần anh định bụng hay cứ để con được thể hiện tình thương, dù tình thương ấy có khi bị đặt sai chỗ, sau này con gái lớn lên sẽ tự nhận thức đúng - sai. Song, anh lại tự trấn an, làm như vậy không chỉ thiếu trách nhiệm với con và thiếu trách nhiệm với cả xã hội khi tiếp tay cho những kẻ lười biếng, chăn dắt lợi dụng người già và trẻ nhỏ đi xin ăn.
Việc dạy con biết yêu thương bằng cách ủng hộ con cho tiền người xin ăn lâu nay luôn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, nhưng thực tế, không ít người vẫn cho rằng đó là cách hiệu quả để dạy con. Chị Nguyễn Hương Mai (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, chị luôn chuẩn bị sẵn xấp tiền lẻ 2.000 đồng, 5.000 đồng trong hộc xe để gặp người xin ăn ở đâu, con chị cũng có thể giúp đỡ. “Số tiền ấy không nhiều nhưng đổi lại tôi dạy con biết yêu thương người khác, biết chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Con trai tôi cũng vì vậy mà thường xuyên tiết kiệm tiền mua đồ chơi để hùn vào xấp tiền mà con hay gọi vui là “hộc tiền yêu thương” tặng người nghèo”, chị Mai chia sẻ.
Anh Nguyễn Toàn Thắng (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng cho biết, bản thân luôn sẵn sàng cho tiền người xin ăn và khuyến khích các con làm điều ấy, bởi những đứa trẻ biết san sẻ với người nghèo từ nhỏ thì lớn lên sẽ sống nhân ái, chan hòa và trách nhiệm hơn với xã hội. Anh cho rằng, cứ để các con vun đắp yêu thương ở mọi nơi, mọi lúc nếu có điều kiện, đừng vì những suy nghĩ đúng - sai của người lớn mà tước đi sự hồn nhiên, niềm vui được sẻ chia với người khó khăn của đám nhỏ.
Nhân ái đúng cách
Từng chứng kiến nhiều người giả bộ tật nguyền, lết trên đường để xin ăn; báo chí cũng phản ánh tình trạng người già, trẻ em trở thành công cụ đi xin tiền cho một số kẻ chăn dắt, bởi vậy mà quan điểm của anh Vũ Minh Quang là không cho tiền người ăn xin ở ngoài đường. Song, kể từ khi cô con gái bắt đầu hiểu chuyện, biết quan tâm người khác, anh Minh Quang đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều mỗi khi con gặp người ăn xin.
Anh Minh Quang chia sẻ: “Rõ ràng nếu mình không cho tiền người ăn xin thì ít nhiều sẽ khó dạy con về lòng tốt, nhưng nếu dạy con về lòng tốt không đúng lại càng nguy hại hơn. Bởi vậy, tôi đã phải giải thích rất nhiều cho con hiểu nên thể hiện lòng tốt như thế nào cho đúng, để những người đi xin kia không trở thành công cụ bị lợi dụng”.
Phương án anh Minh Quang lựa chọn là đưa con tới các trung tâm bảo trợ người già neo đơn, người tàn tật và trẻ mồ côi để thăm và tặng quà. Nhiều chuyến từ thiện phù hợp, anh cũng đăng ký cho con tham gia để con có trải nghiệm và nhận thức đúng đắn việc thể hiện lòng tốt, lòng nhân ái đúng nơi, đúng chỗ. Nhờ đó, bé Minh Hà không cho tiền người đi xin, nhưng hàng ngày vẫn dành một khoản tiết kiệm từ tiền tiêu vặt, bỏ ống heo để chờ ngày có chuyến đi thăm các bạn mồ côi thì mua quà tặng các bạn.
Cùng quan điểm với anh Minh Quang, chị Trần Thị Hải Nguyên (ngụ quận 5, TPHCM) cũng kiên định dạy các con không cho tiền người đi xin. Thay bằng cho tiền, mỗi khi gặp người đi xin, chị cùng các con chấp nhận bỏ số tiền lớn hơn và bớt chút thời gian ghé mua đồ ăn, nước uống gửi cho họ. “Tôi nghĩ, ngoài tiền ra thì còn nhiều cách để dạy con về lòng nhân ái. Tôi dạy con, hãy tặng họ những gì thiết thực nhất, không nhất thiết phải là thứ họ mong muốn nhất”, chị Hải Nguyên trải lòng.
Dạy con về lòng nhân ái thế nào là đúng, mỗi phụ huynh có những cách khác nhau, nhưng nên làm thế nào để lòng tốt của những đứa trẻ trong sáng phải thật hữu ích, không trở thành công cụ để kẻ xấu lợi dụng. Chúng tôi biết nhiều người không ủng hộ con cho tiền người xin ăn, nhưng luôn động viên con mua những món đồ nhỏ mà người khuyết tật bán trên đường phố, bởi dù sao những con người đó cũng đang làm việc. Đó cũng là cách phụ huynh vừa dạy con trẻ biết trân trọng sức lao động của người khác, vừa biết sẻ chia.