Sợ làm điều tốt
Chị Thanh Hằng, nhân viên một quầy sách tại Đường sách TPHCM, kể lại một câu chuyện trên Facebook. Noel năm 2018, chị đặt hàng dịch vụ ông già Noel tặng quà cho con gái tại nhà. Đúng giờ, người giao quà hóa trang thành ông già Noel mang quà đến, cả bọn nhỏ trong xóm đều xúm lại ồn áo náo nhiệt, có cậu bé hàng xóm trạc tuổi cũng chen vào, sờ sờ mó mó gói quà của con chị. Con bé tỏ thái độ khó chịu, gạt phăng tay cậu bé kia ra và mắng là quà ông già Noel cho tớ chứ có cho cậu đâu. Thấy vậy, chị khuyên con cho bạn chơi chung nhưng con bé nhất quyết không chịu, còn lý luận là trẻ ngoan mới được ông già Noel tặng quà, vậy ai không có quà là hư, rồi rằng quà của con thì là của con, cậu kia không được đụng vào.
Giận con, chị mới mắng là phải biết chia sẻ với bạn thì con bé con vừa khóc vừa bảo, sao bạn không bảo ông già Noel tặng hay nếu không thì bảo bố mẹ bạn mua cho mà chơi. Chị không biết làm sao để giải thích với cô con gái mới 4 tuổi của mình rằng bố cậu bé kia đang đi lao động nước ngoài, mẹ phải nuôi 2 chị em, bận rộn, không lo được đầy đủ như mẹ lo cho con…
Chia sẻ một câu chuyện tương tự, chị Tú Quyên, nhân viên kế toán một NXB kể, có lần chị đưa con đi khám tại bệnh viện. Khám xong, chị bảo con đợi ngoài để trao đổi thêm với bác sĩ, quay ra thấy một đứa bé ngồi xe lăn gần con chị. Đứa bé tuy mệt mỏi nhưng vẫn có vẻ rất thích con kỳ lân bông mà con chị bế trên tay nhưng con chị cứ chần chờ rồi quay đi. Trên đường chở con về, con chị bảo là thấy bạn thích chơi, con cũng muốn chơi chung với bạn. Chị tò mò hỏi sao không cho bạn chơi với, con bé lắc đầu bảo, con sợ lắm.
Một cặp vợ chồng làm tại Đài truyền hình TPHCM cho biết, vợ biên tập, chồng đạo diễn, đi suốt cả ngày, cô con gái cưng hôm nào đi học thì thôi còn không hết bà nội chăm đến bà ngoại chăm. Mãi gần đây, mẹ bé mới phát hiện con mình từ khi nào không biết đã trở thành một cô công chúa, đòi gì thì đòi bằng được, còn chơi thì không bao giờ chịu nhường bạn… Hai vợ chồng lại không biết trách ai, nhà có một đứa cháu, khi ông bà đưa ra lý do “nhà chỉ mỗi đứa cháu không chiều thì chiều ai nữa”.
Dạy yêu thương bằng cảm nhận thực tế
Chị Tú Quyên kể, chị nhiều lần dạy con biết chia sẻ với bạn bè, với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trẻ con, lời dạy vào tai này, chỉ lát sau lại chui qua tai kia đi. Mãi đến một lần, đơn vị tổ chức đi thăm và tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè, chị mới nảy ra một ý định dạy con từ thực tế. Chị cùng một số đồng nghiệp kêu gọi quyên góp sách thiếu nhi rồi sắp xếp ngày cuối tuần cùng một số gia đình khác đưa sách đến tặng trung tâm. Những đứa con của các anh chị lần đầu thấy những bạn bè đồng trang lứa nhưng không được sung sướng như mình. Thấy các bạn ở trung tâm mân mê, cẩn thận giở từng trang những cuốn sách thiếu nhi mà bình thường bố mẹ mang về, các cô cậu bé đều vứt lăn lóc.
Không biết từ bao giờ, những rào cản rụt rè, lo lắng bay mất, các cô cậu bé bắt đầu hòa nhập, chỉ bạn cách dùng những cuốn sách hình ảnh nổi, cách chạm để những cuốn sách nói vang lên âm thanh, thậm chí còn đọc cho bạn nghe, giải thích những chi tiết trong sách… Trên đường về, cô con gái của chị Thanh Hằng thỏ thẻ với mẹ, hôm nào đi lại để con tặng các bạn một loạt đồ chơi của con, chắc các bạn thích lắm. Đến bây giờ, những chuyến đi thăm không còn là chuyện lạ lẫm gì nữa, những cô cậu bé giờ đã biết cẩn thận đọc những cuốn sách mới bố mẹ mang về, gìn giữ những món đồ chơi thay vì vứt lăn lóc như trước để hôm nào lại đến tặng các bạn.
Cũng chính từ những câu chuyện đó, dịp Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, Đường sách TPHCM tổ chức chương trình “Phiên chợ yêu thương”. Đây là năm đầu tiên Đường sách TPHCM tổ chức một hoạt động từ thiện kêu gọi chính các em thiếu nhi tham gia thực hiện, nhằm giáo dục tinh thần san sẻ yêu thương, gieo trồng hạt mầm tử tế trong lòng mỗi bạn nhỏ, biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ đến các bạn nhỏ khác có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Hình thức thực hiện vì thế cũng tập trung vào xây dựng cảm xúc cho các em như việc tự mang đồ chơi, gấu bông, tranh vẽ góp tặng, mọi người sẽ mua và tự định giá các món đồ được bán trong phiên chợ, bỏ tiền vào heo đất. Chương trình còn có buổi đấu giá 6 bức tranh được các bé thiếu nhi gửi tặng cho phiên chợ. Chương trình nhận được rất nhiều tình cảm của các em thiếu nhi. Có những em thậm chí xin tiền ba mẹ bỏ vào heo đất để quyên tặng các bệnh nhi. Nhiều em nhỏ đã tỉ mỉ lựa chọn những bức tranh vẽ ưng ý nhất, đem đến phiên chợ…