Bằng sự tính toán, tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, anh chị dành ra những phần tiền giúp trao học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng các mái ấm tình thương cho người nghèo…
Trong gia đình chị Xuân, nhiều thời điểm có thể thiếu gạo nấu cơm, nhưng tiếng cười, niềm vui thì nhất định không thiếu. 16 năm chung sống, bà con hàng xóm ít khi nghe anh chị cãi vã nhau. Nhà có tiệm photocopy, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình, hàng ngày anh chăm chỉ đứng làm hàng cho khách, chị nội trợ để chăm sóc chồng và 2 con bữa ăn tươm tất. Những lúc xong việc bếp núc, chị lại ra phụ anh làm hàng. Dù cực chân tay nhưng gia đình anh chị luôn đầm ấm.
Là người nội trợ, chị tính toán các chi tiêu, thu vén chăm lo cuộc sống gia đình. “Bác Hồ là người sống giản dị, tiết kiệm những vật dụng không cần thiết để giảm thiểu chi phí. Em chỉ cố gắng học Bác để tiết kiệm cho gia đình và dư chút ít giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”, chị Xuân cho biết. Nhờ học tập theo Bác về thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, mà kinh tế gia đình anh chị dần ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao.
Niềm vui của gia đình anh Cường, chị Xuân khi quây quần đọc sách bên nhau
Với anh Cường và chị Xuân, cái gì cần thiết cho gia đình mới sắm, chứ không phung phí trong chi tiêu. Chị còn chỉ dạy các con phải biết tiết kiệm từng giọt nước mắm, hạt gạo bằng cách dùng ít thì lấy ít. Giấy photo anh làm bị hư, chị tận dụng mặt còn lại để làm giấy nháp cho con… Nhìn cách ba mẹ sinh hoạt, 2 con của anh chị cũng dần biết tiết kiệm các chi tiêu hàng ngày.
Là gia đình văn hóa tiêu biểu ở phường 14, quận Bình Thạnh (TPHCM), chị Xuân còn là tổ trưởng phụ nữ tổ 22, khu phố 2; anh Cường là tổ trưởng kiêm chi hội phó hội khuyến học khu phố. Cả hai anh chị đều năng nổ vận động mạnh thường quân để chăm lo cho các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị còn tổ chức nhiều hoạt động của tổ phụ nữ như huy động lực lượng tham gia tổng vệ sinh hàng tuần, phát tờ rơi về phòng chống các loại dịch bệnh...
Chỉ cho tôi xem mấy con heo đất gia đình đang nuôi, bé Na - con gái nhỏ của chị Xuân - bẽn lẽn nói: “Con này là của con, kia là của anh hai, các con còn lại của ba và mẹ. Heo của con là ốm nhất, bởi con chỉ bỏ tiền tiêu vặt hàng ngày”. “Mẹ nói, có rất nhiều bạn cuộc sống còn thiếu thốn, thậm chí phải mặc áo cũ và không có dép mang đi học. Con tiết kiệm tiền để dành tặng bạn mua đôi dép và tập sách”, bé Na cho biết thêm. Hàng ngày, mỗi khi đi chợ về, chị Xuân đều để dành ít tiền “nuôi heo”. Giấy vụn sau photo, chị giữ sạch sẽ để dành bán ve chai lấy tiền cho heo “ăn”. Số tiền này anh chị dùng trao học bổng, xây nhà tình thương, mua nồi cơm điện, quạt máy, gạo, đường, nước mắm… để tặng người nghèo. Đây cũng là cách chị dạy các con biết tiết kiệm và lòng yêu thương mọi người. Nói theo vợ chồng anh chị, mình cứ làm việc đúng, việc có ích thì các con sẽ nhìn theo đấy mà noi gương.
Hạnh phúc lớn nhất của anh chị là các con luôn ngoan hiền, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và luôn hăng hái phụ ba mẹ hỗ trợ cộng đồng. Chị Xuân nhớ mãi kỷ niệm, có lần đi họp, nghe một chị có gia cảnh khó khăn tâm sự rằng thích bộ áo dài và đang chắt chiu dành dụm tiền để mua. Chợt nhớ mình còn khúc vải may áo dài được mẹ chồng tặng nhưng chưa dùng tới, chị Xuân về bàn với chồng việc mình muốn tặng khúc vải, anh Cường đồng ý và còn hỗ trợ một ít chi phí để người được tặng đi may đồ. “Ngày dự lễ tuyên dương phụ nữ vượt khó, nhìn thấy chị ấy mặc bộ áo dài mới lên sân khấu với nụ cười rạng rỡ, bản thân mình cũng hạnh phúc dâng tràn”, chị Xuân nhớ lại.