Ngày 5-7, Đoàn công tác của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng để khảo sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập.
Quảng Nam và Đà Nẵng cần phối hợp trong điều phối nước
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay có 73 công trình thủy lợi gồm: 20 hồ chứa, 29 đập dâng, 24 trạm bơm đã đều được lập phương án bảo vệ, kiểm định an toàn trong các năm vừa qua.
Hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có 73 công trình thủy lợi Về nguồn nước mặt trên địa bàn TP Đà Nẵng tập trung ở sông Hàn, sông Cu Đê và sông Túy Loan. Nguồn nước này được khai thác để cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân bay với lưu lượng hiện nay khoảng 300.000m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, nguồn nước thô chính để cung cấp cho TP Đà Nẵng này lại phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động khai thác, sử dụng nước trên thượng nguồn của lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, nhất là Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 khi vận hành đã ảnh hưởng lớn đế nguồn nước cung cấp cho vùng hạ lưu trong mùa khô cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho TP Đà Nẵng.
Nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch của Đà Nẵng phụ thuộc lớn vào thượng nguồn ở phía tỉnh Quảng Nam Do đó, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị với đoàn công tác đánh giá lại toàn diện các mặt tích cực và tiêu cực việc hình thành các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Xem xét, đánh giá các thiệt hại về môi trường, thiếu nước, xâm nhập mặn ở vùng hạ du do hoạt động của các nhà máy thủy điện khu vực thượng nguồn sông. Theo dõi hiệu quả điều tiết nguồn nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định 1865 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, xem xét không cấp phép mới xây dựng các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Sau khi kiểm tra hiện trường cũng như nghe các bên báo cáo, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quá trình vận hành kiểm soát lũ của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng khá tốt. Tuy nhiên, việc biến đổi khí hậu không theo quy trình lịch sử nào cho nên phải đặt vấn đề an toàn hồ đập lên hàng đầu. Việc điều phối nước của cả hai địa phương phải nhịp nhàng vì ở Quảng Nam chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong khi ở Đà Nẵng là phục vụ nước sinh hoạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu sau khi nghe các bên báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận xét, trước đây nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ cần đập An Trạch là đủ, thế nhưng vừa qua chúng ta thấy nguồn nước bị xâm nhập mặn sớm. Nhu cầu nước của TP Đà Nẵng là khoảng 400.000m3/ngày đêm, tuy nhiên sự phát triển đến năm 2030 tầm nhìn 2045 khoảng 800.0000m3/ngày đêm nên phải nghiên cứu đầu tư lại hệ thống đập ngăn mặn mới cũng như điều phối nước trên thượng nguồn.
Dawaco đề nghị tăng giá nước
Tại buổi làm việc, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) báo cáo về tình hình sản xuất, đầu tư của công ty trong thời điểm hiện tại cũng như các phương án thời gian đến. Đồng thời, giá nước sạch tại TP Đà Nẵng được quy định từ năm 2014, hiện trung bình chỉ 6.100 đồng/m3 là thấp so vớ các thành phố thuộc Trung ương. Do đó, Dawaco đề nghị nâng giá nước đề có điều kiện, nguồn lực đầu tư, cải tạo nhưng do dịch Covid-19 nên vẫn chưa triển khai.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco (thứ hai từ phải qua) giới thiệu công nghệ của công ty với đoàn công tác Về phần giá thành bán nước sạch, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng giá thành nước sạch thấp không đủ điều kiện vận hành, không đủ nguồn lực để tái tạo, duy tu bảo dưỡng… thì không thể nào phát triển. Do đó, Đoàn sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thêm nhưng phải có giá hợp lý, có lộ trình phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai và khả năng thu nhập của người dân.
Đoàn công tác kiểm tra tại Nhà máy nước Cầu Đỏ Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu TP Đà Nẵng kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh nguồn nước, không để bị ô nhiễm nguồn nước thô từ đầu nguồn như một số nơi khác.
NGUYỄN CƯỜNG