Vào giữa năm 2013, TPHCM đã ban hành Chương trình hành động về Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn giai đoạn 2013-2015, với nhiều nội dung cấp thiết. Trong đó có việc xác định danh mục các công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc và các công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu theo Luật Di sản văn hóa, đồng thời xác định đối tượng, khu vực kiến trúc cảnh quan đô thị cần bảo tồn, xây dựng quy định chung và chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn…
Tiếc, tiếc và tiếc…
Việc xác định cái nào cần bảo tồn, cái nào cần xóa bỏ, xây mới, và quy hoạch sao cho TPHCM vừa trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bền vững trong tương lai lại vừa giữ được nét đặc sắc, truyền thống của Sài Gòn xưa… là một bài toán không hề dễ. Và, như chúng ta đã thấy, thời gian qua, người Sài Gòn đã ngậm ngùi chia tay với không ít nơi chốn từng lưu giữ những ký ức đẹp đẽ của Sài Gòn xưa, thay vào đó là những công trình mới phục vụ cho sự phát triển năng động của thành phố.
Ngậm ngùi bởi ký ức về những địa danh, những công trình ấy sẽ chỉ còn trong những thước phim tư liệu, trong những bức ảnh… Ông Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục Thuế TPHCM tiếc nuối chia sẻ: “Theo tôi, vấn đề này vừa khó, vừa dễ. Dễ là nếu có tiền thì mình có thể xây dựng tất cả, nhưng muốn giữ lại những nét cổ kính, mang tính lịch sử, văn hóa, đặc trưng… lại là điều rất khó. Có những cái có tiền không làm được, không mua được, không giải quyết được. Bởi có làm được chăng nữa cũng mang tính mô phỏng, làm lại, dựng lại. Vì vậy theo tôi, cái nào chúng ta có thể giữ được thì phải hết sức gìn giữ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi đất nước đang phát triển, hội nhập… đòi hỏi nhiều công trình mới đáp ứng công năng, nhu cầu lớn hơn. Ví dụ, vấn đề giao thông hiện nay cần có metro, tuy nhiên, chúng ta chỉ chấp nhận hy sinh, phá bỏ, di dời khi không còn cách nào khác”.
Một góc căn nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển nay biến thành quán ốc
Mỗi đất nước đều có giá trị văn hóa, lịch sử riêng, nhưng nếu chú ý thì TPHCM hiện nay hầu như thay đổi gần hết. Những công trình kiến trúc cổ kính, đẹp đẽ, đặc trưng, cụ thể là các phố thuộc khu vực Chợ Lớn, những dãy nhà cũ trải dài từ quận 1 đến quận 6 dọc đại lộ Võ Văn Kiệt có từ thời Pháp rất đẹp và đặc trưng, vẫn có thể khai thác, giữ gìn bên ngoài, tu sửa bên trong, phát triển du lịch đường sông, đường bộ...
Dù xây mới, hiện đại đến cỡ nào cũng đừng để phá vỡ những cấu trúc chung của những cái còn lại. “Còn nhớ ngày xưa tôi hay đi qua Nhà hát Thành phố, nhà hàng Givral ở góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi, một bên là Câu lạc bộ Báo chí, nơi diễn ra những buổi họp báo quan trọng... bây giờ mất hết rồi, tôi tiếc lắm! Tất nhiên mình không thể bo bo giữ cái cũ, điều đó sẽ làm mình tự đào thải vì không đáp ứng được xu thế hội nhập với thế giới. Nhưng không vì vậy mà mình đánh mất đi nhiều thứ thấm đẫm lịch sử, văn hóa, những thứ đơn giản, gần gũi đã khắc sâu vào tâm trí của biết bao người dân thành phố”, ông Nguyễn Trọng Hạnh tâm sự.
Để hiện đại, phải “hy sinh”...
Thế nhưng bạn Võ Hoàng Giang, 23 tuổi, du học sinh tại Mỹ lại có ý kiến ngược lại: “Tôi hoàn toàn đồng ý với việc thay đổi, sửa chữa và xây dựng các công trình hiện đại ở Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, TPHCM năng động, trẻ trung, nơi giao thoa văn hóa của các vùng miền khác nhau với lượng du khách quốc tế ngày càng nhiều, không chỉ vì danh lam thắng cảnh đặc sắc của Việt Nam, mà còn vì con nguời bản địa thân thiện, gần gũi”.
Theo bạn Giang, việc thực hiện hệ thống đường hầm Metro (tuyến đầu tiên từ trung tâm thành phố đến Suối Tiên) là một công trình cần thiết, bởi nó không những giải quyết được phần nào vấn nạn kẹt xe, mà còn đem lại cho thành phố, cho người dân một phương tiện di chuyển hiện đại, tiên tiến của thế giới. Nếu như ở Mỹ có Subway, Singapore có RMT, thì ở Việt Nam sao không thể có Metro? “Nước ta đang từng bước phát triển, hội nhập, nên nếu phải di dời tượng đài hay các công trình mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, phải phá bỏ hàng cây xanh trên 300 tuổi theo tôi là điều bắt buộc phải làm. Tôi không chắc số đông người dân thành phố thích ngắm hàng cây 300 tuổi hơn là được đi một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, nhanh chóng, trật tự, văn minh, sạch sẽ, giảm ùn tắc giao thông. Từng có cơ hội được trải nghiệm hệ thống Subway ở New York, RMT của Singapore... tôi rất thích thú, nghĩ nếu như ở Việt Nam cũng có Metro thì hay biết mấy”, Giang chia sẻ.
Một công trình kiến trúc cổ nằm lọt thỏm giữa các cao ốc
Không ít bạn trẻ tại TPHCM cho rằng, những ai tiếc nuối về một Sài Gòn đã qua ắt hẳn có lý do riêng. Nhưng không nên vì thế mà cho rằng các thế hệ sau này vì không có các công trình ấy mà quên đi quá khứ, công lao to lớn của cha ông… thì có vẻ hơi khiên cưỡng. Thực sự, nhiều người trẻ rất tự hào khi thấy đất nước có những công trình với quy mô lớn. Ví dụ, ở Mỹ chỉ có những thành phố hiện đại như New York mới có hệ thống Subway, chứ ở California, Houston… cũng không có. Vui khi một ngày thấy đất nước mình không thua kém các nước cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ tại TPHCM.
Không cam lòng…
Ngược lại với những ý kiến đồng tình với việc phải hy sinh cho hiện đại, bạn Bành Ngọc Tuấn, 23 tuổi, chuyên viên thiết kế nội thất, lại đưa ra một ý kiến trái chiều khác: “Tôi đồng ý với việc xây mới, cụ thể như tuyến Metro đầu tiên Sài Gòn - Suối Tiên, nhưng chúng tôi vẫn rất cần những giá trị cũ. Việc chặt cây, di dời tượng đài hay phá bỏ những hàng cây, những công trình kiến trúc cũ… nếu là phương án duy nhất, bắt buộc, thì mình đành chịu, nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu như chúng ta có phương án thay thế, lưu giữ, bảo tồn… mà vẫn cứ thẳng tay thì chúng tôi thật không cam lòng”.
Bạn Tuấn đưa ví dụ so sánh, ai đến Bangkok có thể trải nghiệm Skytrain vừa đẹp, hiện đại và hiệu quả, nhưng họ tận dụng triệt để cây xanh. Cùng các công trình, chứng tích lịch sử, cây xanh cũng cần được bảo vệ, nâng niu, chăm sóc. Vì đó chính là văn hóa, là bản sắc mà mỗi đất nước phát triển đều cố gắng gìn giữ. “Tôi yêu vẻ đẹp giản dị của Sài Gòn, và đó là lý do tôi chọn đề tài luận văn tốt nghiệp là “Nét đẹp Sài Gòn những năm 60-70”. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi không muốn “nghe” những cái hay, cái đẹp, những giá trị lịch sử, cổ kính… qua lời kể, vì bởi “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Chúng tôi muốn được chạm tay vào để cảm nhận, để thấu hiểu được cái đẹp, cái thật mà những giá trị cũ đem lại. Theo tôi, có những cái càng cũ thì càng giá trị và đáng trân trọng”, Tuấn nói.
Nhà thờ Đức Bà, công trình nguy nga một thời nay lọt thỏm giữa rừng cao ốc
Bất cứ người dân nào cũng tự hào khi nhìn những công trình mới, hiện đại, được xây dựng để phục vụ đời sống mới, nhu cầu mới. Nhưng không vì đó mà mình dễ dàng xóa bỏ những cái cũ. Vì đó cũng chính là lịch sử, đó là cốt lõi, nguồn cội… mà phải hiểu, yêu quý, trân trọng nó chúng ta mới thực sự phát triển và phát triển bền vững.
Họa sĩ, nhà giáo nhân dân Uyên Huy chia sẻ: “Việc phá bỏ những công trình cũ do yêu cầu mới của cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta cần làm việc này một cách thận trọng, vì những công trình tiêu biểu còn mang trong chúng cái hồn và lịch sử của cả thành phố, những giá trị không thể cân đong đo đếm hay thay thế bằng bất cứ sự “đổi chác” nào. Cụ thể, các bức tượng, phù điêu trang trí trước mặt tiền Nhà hát Lớn Sài Gòn xưa do người Pháp thực hiện là những tác phẩm vô cùng chuẩn mực, có thể được coi là tác phẩm đầu tiên phác họa bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật đô thị Sài Gòn xưa trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của vùng đất này”.
Trong quá trình phát triển, đô thị hóa, hiện đại hóa là điều tất yếu, nhưng phát triển ra sao, bảo tồn cái gì là công việc của các nhà làm quy hoạch, quản lý đô thị. Nhiều đô thị trên thế giới đã quy hoạch rõ ràng khu vực nào phải giữ lại, khu vực nào được xây mới... Thành phố chúng ta cũng phải làm việc này một cách cấp bách. Nếu không, những người đi xa chừng vài chục năm sẽ không thể nhận ra Sài Gòn, còn những người đang sống ở Sài Gòn sẽ cảm thấy xa lạ ngay trên thành phố của mình.
SONG PHẠM - HOÀNG TUẤN - THỦY NGÂN
(*)Thơ Bà Huyện Thanh Quan: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương