TPHCM sở hữu số lượng bảo tàng nhiều nhất nhì cả nước. Những giá trị trăm năm đã trở thành hồn cốt để thành phố hôm nay vươn tầm bằng những giá trị riêng biệt. Tại Bảo tàng TPHCM, phòng trưng bày Địa lý - Hành chính kể câu chuyện từ thuở tiền nhân mở cõi xuôi về phương Nam đến đô thị hiện đại đương thời. Hiện vật trưng bày là ấn đồng, nhắc nhớ người xem về đức Tả quân Lê Văn Duyệt - người từng là Tổng trấn Gia Định thành. Ấn được đúc năm 1802, bằng đồng nặng 1,82kg, cao 7,2cm. Phần bệ ấn khảm 4 chữ Hán, kiểu chữ chân: “Tả quân chi ấn” thể hiện trình độ kỹ thuật đúc đồng buổi đầu. Ấn đồng xác lập quyền lực và công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với nhân dân thành Gia Định.
Lịch sử để lại muôn ngàn bài học giá trị, mà giá trị thiêng liêng hơn hết chính là hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Lớp người hiện tại và cả tương lai tìm về những dấu tích một thời mà kể và tự hào chuyện anh hùng của lớp cha ông.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM) là nơi bộ đội xuất phát tấn công vào nội thành Sài Gòn và nhận tiếp tế của nhân dân. Để phục vụ chiến dịch, hàng đêm từng nhóm thanh niên, phụ nữ tham gia các đoàn dân công tải đạn, tải thương cho chiến trường. Đêm 15-6-1968 (nhằm 20-5 Âm lịch), đoàn dân công khoảng 60 người vận chuyển vũ khí cho mặt trận. Trên đường đến đồng bưng, đoàn bị máy bay trực thăng Mỹ phát hiện và xả súng khiến 32 người (trong đó có 25 nữ) hy sinh tại chỗ và 21 người bị thương.
Hiện vật liên quan ký ức đau thương này là chiếc xe bò thô sơ của ông Nguyễn Văn Dần, nằm trang trọng ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Câu chuyện đằng sau chiếc xe bò này khiến người ta không khỏi quên những năm tháng gian lao đã làm nên những con người hiên ngang, bất khuất. Dòng thuyết minh hiện rõ xót xa của một thời khói lửa trên quê hương: “Trong đêm 15-6-1968, ông Nguyễn Văn Dần đã dùng chiếc xe bò này chở 2 chuyến gồm 7 thi thể dân công (trong đó có con gái ông) từ đồng bưng về làng để các gia đình nhận và chôn cất”.
Hay chiếc áo dài nền nã như bao tà áo dài khác trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, như nhắc lại niềm tự hào về những ngày đấu tranh ngoại giao mềm dẻo mà quyết liệt. Đó là chiếc áo dài may bằng vải xoa màu nâu, thêu hoa mai rải rác ở thân trước và thân sau của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây chính là chiếc áo dài được bà mặc khi tham gia hội nghị 4 bên: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa về hòa bình cho Việt Nam tại Paris và bà cũng là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973.
Ngày - tháng - năm đã thuộc về lịch sử, bao lớp người xuôi về phương Nam khai làng lập ấp để con cháu tiếp nối vùng đất trù phú, lớp người ngã xuống vì một ngày thống nhất non sông đã là cổ nhân. Nhưng đô thị hôm nay dù có đổi mới vẫn lưu giữ hết thảy văn hóa lịch sử, bản sắc hào hùng qua từng góc phố, con đường, di tích, kỷ vật… Dấu xưa như một gạch nối để tự hào vươn cao bản sắc TPHCM cùng khu vực và quốc tế.