Chiều 18-3, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại chương trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân bị cưỡng bức lao động phi pháp ở nước ngoài.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) hỏi: “Bộ Ngoại giao đã hoàn thiện quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân Việt Nam khi phát sinh những vấn đề mới về sự cố khó khăn của công dân ta ở nước ngoài như thế nào? Ngoài các giải pháp trong báo cáo của bộ thì cần có những giải pháp mang tính chiến lược như thế nào để giải quyết căn cơ tình trạng này?".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thừa nhận, đây là vấn đề phức tạp, nổi lên chủ yếu từ năm 2020 đến nay. Bộ đã phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Bên cạnh đó, bộ chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức.
Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cam kết.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định, thời gian qua, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ của ngành ngoại giao. “Bộ trưởng có ý kiến và biện pháp gì để ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ ngành?”, ông Hoàng Đức Thắng chất vấn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, một số vụ việc gần đây, nhất là vụ việc liên quan đến những chuyến bay giải cứu “là sự kiện rất đau xót đối với ngành ngoại giao, truyền thống gần 80 năm, cũng như đối với cá nhân và các gia đình có cán bộ vi phạm”.
Bộ nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc và rút ra một số biện pháp đang làm, sẽ kiên quyết, kiên trì làm.
Thứ nhất, tăng cường phổ biến quán triệt giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, đề cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu.
Thứ hai là quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự là phục vụ người dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
Thứ tư, công khai minh bạch trong tổ chức hoạt động, đặc biệt là rà soát, xây dựng hoàn thiện tất cả quy chế, quy định, quy trình, nhất là những lĩnh vực liên quan đến tiêu cực, trong đó đặt trọng tâm là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân.
Bộ Ngoại giao đã xây dựng 76 trong 80 quy trình cấp bộ; hơn 100 quy trình xử lý các công việc (trong đó có một nửa số quy trình xử lý công việc liên quan đến lãnh sự); thực hiện công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, bộ tiếp tục xây dựng các chế độ chính sách cho cán bộ, người lao động ở Bộ Ngoại giao; xây dựng các quy chế, quy trình, từ khâu bổ nhiệm các trưởng cơ quan đại diện; quy chế, quy trình bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan đại diện theo luật. Đặc biệt, bộ cũng triển khai nghiêm túc các biện pháp để kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.