Bức bối giao thông
Tại khu vực phía Nam, có lẽ nóng nhất trong số những cung đường nóng về ùn tắc giao thông thời gian qua là các tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát (đều thuộc địa bàn quận 7). Tuyến đường Nguyễn Văn Linh quá cần thiết và là lựa chọn phổ biến của giới xe tải từ TPHCM có nhu cầu tỏa về cảng Hiệp Phước và về phía miền Tây Nam bộ hoặc ngược lại. Trong khi tuyến đường Huỳnh Tấn Phát gần như độc đạo trong vai trò nối kết với hàng loạt cảng bến nhộn nhịp như VICT, Bến Nghé, Tân Thuận 1, chưa kể Khu chế xuất Tân Thuận.
Nóng nhất về tình trạng ùn ứ giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh có lẽ là giao lộ Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ và giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50. Số liệu từ ngành chức năng về lượng phương tiện đổ vào giao lộ Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ đã lột tả đầy đủ về độ nóng giao thông tại đây.
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, chỉ trong một tiếng đồng hồ, vào giờ cao điểm chiều (17 giờ đến 18 giờ), từ hướng Khu chế xuất Tân Thuận theo đường Nguyễn Văn Linh vào nút giao thông có hơn 8.000 phương tiện các loại, trong đó gần 1.200 ô tô; trong khi hướng từ quốc lộ 1A theo đường Nguyễn Văn Linh vào nút có hơn 4.000 các loại xe. Trên đường Nguyễn Hữu Thọ, hơn 8.000 phương tiện các loại đổ vào nút giao từ hướng cầu Kinh Tẻ và cầu Rạch Đỉa.
Tương tự, trên đường Lê Văn Lương có hơn 2.700 phương tiện đổ vào nút, từ hướng Nhà Bè đi quận 7 lẫn hướng quận 7 đi Nhà Bè. Hơn 23.000 phương tiện các loại cùng hướng vào một điểm nút trong 60 phút với đủ kiểu rẽ phải, rẽ trái và chạy thẳng giao cắt lẫn nhau, đã tạo điểm nóng giao thông tại đây.
Trong khi đó, điểm nóng trên đường Huỳnh Tấn Phát là tại giao lộ với đường Lưu Trọng Lư. Nóng đến nỗi vấn đề này từng được các đại biểu HĐND TPHCM nêu lên, kiến nghị sớm có giải pháp xử lý ùn tắc.
Làm đúng, hiệu quả cao
Theo nhận xét của các chuyên gia GTVT trên địa bàn TP, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bức bối về giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ. Đó là nhu cầu của giới xe tải hàng hóa vào ra khu cảng Hiệp Phước ở đầu này và nhu cầu lui tới các cảng đầu kia quận 7 như cảng VICT, Nhà Bè, Bến Nghé… quá cao. Giới chủ xe phải điều nhiều xe lăn bánh trên đường hơn để vận chuyển hết khối lượng hàng hóa dồn quá tải. Còn giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư ùn tắc là do các tuyến đường trong khu vực này có mặt đường hẹp, lại cận kề giao lộ Lưu Trọng Lư - Bến Nghé. Chưa kể, sát đó là Khu chế xuất Tân Thuận với xấp xỉ 400 phương tiện vận tải và 70.000 công nhân vào ra hàng ngày.
Trong khi chờ đợi các dự án đầu tư đưa vào khai thác, giải pháp phân luồng đã được cơ quan chức năng triển khai như là phương cách khả dĩ để xoay chuyển tình thế tại các điểm nóng giao thông nêu trên. Có thể lấy giao lộ Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ như một điển hình. Nguyên tắc phân luồng được đưa ra đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giao cắt các phương tiện tại nút, bằng cách dịch chuyển điểm rẽ đến vị trí khác.
Cụ thể là cấm tất cả các loại phương tiện rẽ trái từ đường Nguyễn Văn Linh vào đường Nguyễn Hữu Thọ theo cả 2 chiều lưu thông. Đồng thời tạo điểm quay đầu xe trên đường Nguyễn Văn Linh - giúp ô tô có thể quay đầu rẽ phải tại giao lộ về các hướng. Chẳng hạn như phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh từ hướng cầu Phú Mỹ về nút giao sẽ không được rẽ trái tại giao lộ mà phải chạy lên phía trước 200m nữa để rẽ trái tại khoảng mở mới. Tương tự, xe tải từ hướng quốc lộ 1 về nút giao theo đường Nguyễn Văn Linh không được rẽ trái ngay tại đó mà phải chạy lên giao lộ tiếp theo (với đường Nguyễn Phan Chánh) mới được rẽ.
Ở giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư, giải pháp được chọn là cấm ô tô rẽ trái từ đường Huỳnh Tấn Phát vào Lưu Trọng Lư, hướng lưu thông từ đường Trần Xuân Soạn đến đường Lưu Trọng Lư. Tương tự, ô tô có chiều cao từ 4,1m trở xuống cũng không được quay đầu trên đường Huỳnh Tấn Phát tại khu vực đường dẫn lên cầu Tân Thuận 1, hướng lưu thông từ đường Lưu Trọng Lư đến đường Trần Xuân Soạn. Tổ chức lưu thông một chiều ô tô trên đường Trần Xuân Soạn, đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Tân Thuận 4, hướng lưu thông từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Tân Thuận 4.
Những động tác điều chỉnh giao thông ấy đã đem lại kết quả. Tuyến Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh sau khi điều chỉnh hướng đi như trên đã cải thiện được giao thông tại khu vực - chiều dài dòng xe chờ qua nút được rút ngắn, thời gian xe qua nút nhanh hơn. Tình hình giao thông tại khu vực được đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc. Tương tự, nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư cũng chuyển biến từ khu vực có tình hình giao thông phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông lớn trở thành nơi xe cộ thông suốt.
Chính quyền TPHCM xác định về lâu dài, sẽ có những biện pháp giải quyết căn cơ tình hình với chiều hướng chung là đầu tư phát triển sâu rộng cơ sở hạ tầng. Thời gian tới, TP tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, kết nối phía Nam với các khu vực khác, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Về đường bộ - Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã có kế hoạch đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư như: dự án nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh; xây mới 3 cầu thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương; xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; xây dựng, cải tạo, mở rộng nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến đường Nguyễn Văn Linh. - Đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái vượt kênh Tẻ và rạch Bến Nghé đi qua địa bàn các quận 1, 4, 7; nâng cấp quốc lộ 50 đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An; xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TPHCM và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu, đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long; xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài, đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50; xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50. - Tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) như: xây dựng cầu đường Bình Tiên; xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm giai đoạn 3; tuyến đường Lê Văn Lương; xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ đường Nguyễn Thị Thập đến đường Huỳnh Tấn Phát; xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài. Đầu tư xây dựng các cầu lớn, như Cần Giờ thay phà Bình Khánh; cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7. Về đường thủy Tăng cường kêu gọi đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT (đầy tải) và trên 50.000 DWT (giảm tải) ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực TPHCM, các tỉnh lân cận và phát triển hoàn chỉnh hệ thống cảng biển trên sông Soài Rạp. Về đường sắt Phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 2 lộ trình quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - Khu đô thị Bình Quới; tuyến đường sắt đô thị số 4a từ Thạnh Xuân đến Khu đô thị Hiệp Phước; tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2, từ Bến xe Cần Giuộc mới đến ngã tư Bảy Hiền. |