Củ Chi là huyện ngoại thành phía Tây Bắc TPHCM. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân Củ Chi đã có những sáng tạo về cách đánh, đào địa đạo tạo thế bám trụ và đánh bại quân xâm lược. Bước vào thời bình, người dân Củ Chi tiếp tục xây dựng quê hương với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Vùng đất anh hùng trong thời kỳ đổi mới
Với đức tính cương trực, thẳng thắn, thủy chung; không sợ khó, ngại khổ, không lùi bước trước khó khăn, ngày nay, người dân Củ Chi đã có những nỗ lực, sáng tạo tìm ra những phương thức mới để xây dựng quê hương giàu đẹp. Những ngày đầu tháng 7-2010, chúng tôi về Củ Chi thăm lại vùng đất từng được mệnh danh là vùng “đất thép thành đồng” của Tổ quốc.
Dọc theo các tuyến đường nhựa khang trang, nhà cửa xinh đẹp ẩn mình trong vườn cây cối sum suê, không khí trong lành khiến chúng tôi cảm thấy thư thái và thêm yêu mến vùng đất này. Đi trên quốc lộ Xuyên Á, hai bên đường nhiều nhà máy và khu công nghiệp mọc lên, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Đời sống người dân Củ Chi cũng khá lên.
Được sự chấp thuận chủ trương của UBND TP, UBND huyện Củ Chi đang bắt tay vào thực hiện dự án xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao như một trung tâm giống cây trồng, giống vật nuôi của thành phố. Củ Chi được các chuyên gia chuyên ngành đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước và có khả năng phát triển thêm diện tích sau này khi Củ Chi có nhu cầu mở rộng. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Củ Chi đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, trở thành vùng đất đầy tiềm năng về kinh tế, an cư. Báo chí đã có bài viết khen ngợi giao thông ở Củ Chi như “Về Củ Chi, đi đường nhựa” phản ánh rất đúng về đường sá ở Củ Chi. Hầu hết các con đường nông thôn ở đây đều được trải nhựa, làm bộ mặt nông thôn Củ Chi tươi đẹp hẳn lên.
Đánh thức tiềm năng đô thị kiểu mẫu mới
Trong buổi tọa đàm về thực trạng và viễn cảnh phát triển đô thị TP.HCM do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổ chức, chuyên gia quy hoạch cấp cao của Công ty Nikken Sekkei - đơn vị thực hiện đồ án quy hoạch đô thị cho UBND TPHCM đã khen ngợi chủ trương của TP trong việc chọn Củ Chi để đầu tư xây dựng khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi (diện tích 6.000 ha). Chủ trương này là hạt nhân giúp các vùng lân cận Củ Chi phát triển mạnh. Theo Công ty Nikken Sekkei, những nơi đất cao có thể đầu tư xây dựng công trình địa ốc, những nơi thấp thì phát triển cảnh quan, không gian xanh, bảo tồn cho cả khu đô thị sinh thái xanh xen lẫn khu nông thôn kiểu mẫu mới. Hiện Củ Chi có 2 xã đang thí điểm mô hình nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Trung ương là Thái Mỹ và Tân Thông Hội.
Ngày 7-7-2010 Báo SGGP đưa tin, từ một nền kinh tế thuần nông, Củ Chi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đang trở thành địa phương phát triển công nghiệp - nông nghiệp - thương mại dịch vụ, đô thị xanh với những thành tựu rất đáng ghi nhận. Đến đầu năm 2010, toàn huyện đã chuyển đổi được 6.100 ha đất lúa cho năng suất thấp sang trồng rau sạch, hoa lan, cây kiểng, cây ăn trái, cao su. Trong chăn nuôi, hiện nay tổng đàn bò sữa đã đạt trên 40.000 con, Củ Chi trở thành địa phương có đàn bò sữa cao nhất TPHCM.
Ngoài ra, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, từng bước hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp như mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái vườn ở xã Trung An; trồng rau muống nước ở Bình Mỹ; rau an toàn ở Nhuận Đức, Trung Lập Hạ; nuôi bò sữa ở Tân Thạnh Đông, An Nhơn Tây; nuôi cá sấu ở Trung Lập Thượng; nuôi cá ở Tân An Hội, Trung An, Bình Mỹ… Một số mô hình được đánh giá cao như Khu nông - công nghiệp - công nghệ cao Nhuận Đức - Phú Hòa Đông - Phạm Văn Cội, với diện tích 80ha trồng dưa lê, trồng và nuôi cấy mô hoa lan xuất khẩu trong nhà kính giá trị xuất khẩu cao. Mô hình nuôi bò sữa của anh Nguyễn Văn Công (ấp 3 A, xã Tân Thạnh Đông) với đàn bò sữa 130 con, trong đó cho sữa thường xuyên khoảng 70 con với thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng/tháng. Hay mô hình chuyển đổi đất lúa trồng lan của chị Trần Ngọc Tuyết (ấp 1, xã Hòa Phú) với hơn 6.000 gốc lan trị giá hàng chục tỷ đồng. Năm 2010, TP và huyện Củ Chi đã công bố trên các phương tin thông tin đại chúng là sẽ tập trung vào việc phát triển giao thông, phát triển hạ tầng cơ sở.
Do vậy, vùng đô thị sinh thái xen lẫn khu nông thôn kiểu mẫu là địa chỉ nhiều người tìm đến đầu tư và sinh sống. Khi giao thông phát triển mạnh, từ trung tâm TP “những rừng bê tông” về các xã xanh mát của Củ Chi chưa đầy 15 phút để tận hưởng không gian xanh, người dân hiền hòa, môi trường trong lành, sạch đẹp có lẽ sẽ là trong tầm tay của nhiều nhà doanh nghiệp và người dân.
TRẦN LÊ
| |