Đột phá nhưng dễ thao túng
Tính từ ngày 1-1 đến nay, giá trị của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới này đã tăng hơn 86%. Theo trang web chuyên cung cấp dữ liệu tiền điện tử Coinmarketcap.com, giá của đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới này đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay là khoảng 56.000 USD/Bitcoin, đồng nghĩa mức vốn hóa thị trường - tính bằng giá trị tất cả lượng Bitcoin đang lưu hành - hiện đã vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Ngoài ra, việc các nước nới lỏng tài khóa và tiền tệ nhằm giúp nền kinh tế toàn cầu chống đỡ tác động từ đại dịch Covid-19 tạo rủi ro lạm phát lớn… càng làm nổi bật tính hấp dẫn của các tài sản như Bitcoin, vốn miễn nhiễm với lạm phát. Một số nhà đầu tư cho rằng, Bitcoin có thể là giải pháp thay thế cho vàng, song các ý kiến thận trọng cho rằng sự tăng giá đột biến này là một bong bóng được tạo ra do thanh khoản dư thừa giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng, Bitcoin là đơn vị tiền tệ mới và đột phá trong tương lai, thậm chí còn xem Bitcoin là một loại “vàng kỹ thật số mới”. Tuy nhiên, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk - người vừa tiết lộ đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và chấp nhận đồng tiền này như một hình thức thanh toán khiến đà tăng giá của đồng tiền này tăng vọt - vẫn khẳng định: “Bitcoin là tiền, không phải vàng, trong tương lai”.
Khó trở thành tài sản dự trữ
Chỉ vài ngày sau khi không tiếc lời khen về Bitcoin, tỷ phú Elon Musk đã đổi ý cho rằng giá Bitcoin và Ethereum đang ở mức khá cao. Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates cho rằng loại tiền này tiếp tay cho các hoạt động phi pháp. Hai nhận xét trên khiến giá của Bitcoin trên thị trường đột ngột lao dốc, làm đỏ rực bảng điện tử.
Đang chót vót trên đỉnh 58.000 USD/Bitcoin lập tức đổ dốc không phanh, mất khoảng 6% giá trị trong phiên giao dịch tại châu Á vào sáng 23-2, xuống còn khoảng 52.000 USD. Các đồng tiền ảo khác cũng giảm 7%-15% trong vòng 24 giờ khiến giá trị vốn hóa toàn thị trường tiền ảo ngày 23-2 bốc hơi gần 8%.
Rõ ràng, đà tăng giảm của các đồng tiền số phụ thuộc bất cứ dòng trạng thái hay phát biểu nào của các tỷ phú. Cho nên, rủi ro cho các nhà đầu tư là rất lớn, đó là chưa nói đến việc các tỷ phú bị nghi ngờ đang cố gắng thao túng thị trường tiền tệ. Ngày 23-2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Ju-yeol cho rằng, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin không có giá trị nội tại và sự biến động giá dự kiến còn mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tương lai rất khó đoán định nhưng chắc chắn giá của đồng tiền này sẽ cực kỳ biến động. Phó Giáo sư về tài chính Mark Humphery-Jenner của Trường Kinh doanh thuộc Đại học New South Wales (Australia) nhận định, Bitcoin cuối cùng có thể trở thành phương tiện thanh toán, đem lại cho đồng tiền này nhiều giá trị hơn như một hình thức tiềm năng thay thế tiền tệ. Tuy nhiên, ông cảnh báo hiện việc đầu tư vào Bitcoin rất rủi ro bởi sự biến động về giá, đồng thời khuyến cáo mọi người chỉ nên đầu tư sau khi phân tích kỹ lưỡng và đầy đủ hoặc nhờ chuyên gia trợ giúp nếu cần.
Chuyên gia này cho rằng, sự biến động giá bất thường, chi phí giao dịch lớn và thực tế ít người chấp nhận cũng khiến Bitcoin khó trở thành một loại tiền tệ hoặc tài sản dự trữ.
Theo trang Investopedia, hiện có hơn 4.000 loại tiền điện tử hiện hành. Tuy nhiên, sau đồng Bitcoin - đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới và đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường Cryptocurrency (tiền mã hóa) - một số loại tiền điện tử quan trọng tính đến thời điểm đầu năm 2021 có thể kể đến là Ethereum (ETH), Litecoin (LTC), Cardano (ADA), Tether (USDT), Stellar (XLM)… |