Khởi nghiệp từ rau sạch
| |
Trước thực trạng thực phẩm “bẩn” bủa vây, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã quyết định đầu tư tiền tỷ để trồng rau an toàn. Sản phẩm từ những trang trại này được chứng nhận chất lượng và thông qua kênh phân phối tin cậy để đến tay người tiêu dùng.
Những trang trại “tử tế”
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (HTX Anh Đào) được coi là đơn vị tiên phong chọn hướng sản xuất rau an toàn tại TP Đà Lạt. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc HTX Anh Đào, cho biết, HTX thành lập từ năm 2003, nhưng giai đoạn đầu do bà con sản xuất theo phương pháp truyền thống và sản lượng chưa nhiều, nên sản phẩm chỉ cung cấp cho các chợ đầu mối, chưa vào được hệ thống siêu thị và nhà hàng lớn. Sau vài năm nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, HTX nhận thấy, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và an toàn môi trường, cần phải ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao. Năm 2006, sản phẩm của HTX được cấp chứng nhận rau an toàn và 3 năm sau đó, HTX áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP; từ đó sản phẩm được tiêu thụ qua nhiều hợp đồng lớn với các siêu thị, cửa hàng rau sạch tại những thành phố lớn. Hiện đơn vị đã phát triển được 270ha rau trồng trong nhà kính, nhà lưới và áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Hơn 70 chủng loại rau do HTX sản xuất đều được kiểm soát về chất lượng, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật gây bệnh theo quy chuẩn. Sản phẩm sau khi thu hoạch được bảo quản trong kho lạnh, vận chuyển đi tiêu thụ bằng xe chuyên dụng.
Cũng như HTX Anh Đào, nhiều HTX, doanh nghiệp khác tại Đà Lạt cũng lựa chọn hướng sản xuất rau sạch và đang gặt hái được kết quả khả quan. Có thể kể đến các HTX Xuân Hương, Tân Tiến; Công ty Dalat G.A.P; các trang trại Phong Thúy, Bạch Cúc… Đáng chú ý, gần đây có nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản từ trường đại học đã quyết định đến Đà Lạt “khởi nghiệp” từ rau sạch. Năm 2014, được những người bạn từ Thái Lan giới thiệu mô hình sản xuất rau an toàn theo phương thức thủy canh, anh Phan Tuấn Linh (37 tuổi) lập tức bị thuyết phục bởi cách trồng rau “không cần đất”. Sau chuyến đi Thái Lan “học” làm nông, được tận mắt tham quan mô hình trồng rau thủy canh hiện đại và thấy được hiệu quả vượt trội của phương thức canh tác này, anh Linh về Đà Lạt gom vốn để nhập khẩu thiết bị, từ đường ống dẫn nước, hệ thống van, giá thể và thuê chuyên gia từ Thái Lan về hỗ trợ lắp ráp, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau. Anh Linh cho biết: “Mặc dù mức đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 800 triệu đồng/sào (1.000m2), nhưng bù lại sản phẩm rau thủy canh chất lượng cao và an toàn tuyệt đối, vì vậy chỉ sau 2 năm là có thể thu hồi vốn. Với hơn 3.000m2 trồng rau thủy canh hiện có, mỗi tháng trang trại của tôi thu hoạch 4,5 - 5 tấn rau xà lách, giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu 180 triệu đồng (700 triệu đồng/sào/năm), sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 40%. Nhu cầu thị trường về rau sạch hiện đang rất lớn nên tôi quyết định đầu tư mở rộng theo từng giai đoạn. Đến cuối năm nay sẽ có thêm 2ha rau thủy canh cho thu hoạch và dự kiến có khoảng 5ha vào năm tới”.
Trang trại rau sạch của anh Phan Tuấn Linh ở phường 5, TP Đà Lạt. Ảnh: Đoàn Kiên
Một ông chủ trẻ khác đang chọn rau sạch làm hướng khởi nghiệp là anh Nguyễn Đông Hải (31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Viet Farm). Sau thời gian trầy trật vì kinh doanh rau theo cách truyền thống, anh Hải suy nghĩ rằng, không thể bán “hàng chợ” mãi được, muốn phát triển thì phải có thị trường ổn định và điều quan trọng nhất sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Anh Hải quyết định tìm hiểu quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời thuê công ty tư vấn về hướng dẫn, xây dựng quy trình sản xuất. Đến cuối năm 2009, nông trại được cấp chứng nhận trên diện tích 3ha. Cũng từ đó, công ty bắt đầu có khách hàng là các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh Đông Nam bộ... tìm đến và ký kết hợp đồng tiêu thụ. Hiện tại, Công ty Viet Farm đang có 15ha trồng rau sạch, trong đó có 6ha nhà kính đầu tư theo công nghệ Israel. Bên cạnh đó, anh Hải còn hợp tác với nông dân 10ha sản xuất 40 loại rau như cà chua, xà lách, dưa leo, rau cải... theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Trung bình mỗi tháng bán ra thị trường hơn 300 tấn rau củ cho 7 hệ thống siêu thị và chuỗi 20 cửa hàng tiện lợi. “Năm 2015, chúng tôi xuất bán khoảng 3.000 tấn, thu về hơn 32 tỷ đồng; năm nay, sản lượng hơn 4.000 tấn, thu về hơn 52 tỷ đồng, trong đó có 40% xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Singapore, Malaysia, Campuchia”, anh Hải hào hứng chia sẻ.
Tham gia chuỗi cung ứng rau sạch
Nếu cách sản xuất rau truyền thống thường lệ thuộc thị trường, đầu ra bấp bênh, thì sản xuất rau sạch bám sát nhu cầu thị trường, làm theo các đơn hàng cụ thể, vì vậy đầu ra và giá cả được đảm bảo. Từ năm 2008, HTX Anh Đào và hệ thống siêu thị Co.opMart đã ký hợp đồng tiêu thụ mỗi ngày 7,5 tấn rau tiêu chuẩn VietGAP với giá thu mua cao hơn rau sản xuất kiểu truyền thống 10% - 15%. Tiếp đó, Co.op Mart ký tiếp hợp đồng chiến lược và ứng trước 10 tỷ đồng mỗi năm không tính lãi, để HTX yên tâm sản xuất. Đến nay, HTX Anh Đào đã mở rộng hợp tác, cung cấp sản phẩm trực tiếp cho các hệ thống siêu thị lớn ở 52 tỉnh, thành trong nước với sản lượng 33.600 tấn/năm (chiếm 80% sản lượng). Còn 20% sản lượng rau được xuất sang Hàn Quốc, Singapore, Malaysia.
Trồng rau “có địa chỉ”, hay nói cách khác là sản xuất theo đơn hàng, cũng chính là hướng đi của nhiều HTX, doanh nghiệp khác tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy (huyện Đức Trọng), cho biết, mỗi năm trang trại và các hộ liên kết sản xuất khoảng 12.000 tấn rau sạch. Trong đó, 70% sản lượng cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch (chủ yếu tại TPHCM) theo hợp đồng; 10% cung ứng cho các đầu mối để xuất khẩu; số còn lại tiêu thụ thị trường truyền thống. Còn theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Dalat G.A.P, chiến lược của công ty là sản xuất rau chất lượng cao, nhắm vào khách hàng khó tính ở Việt Nam và xuất khẩu. Hiện mỗi năm công ty xuất sang Nhật Bản 700 - 800 tấn rau. Riêng thị trường nội địa, công ty xây dựng chuỗi 25 cửa hàng Dalat G.A.P tại các thành phố lớn với sản lượng tiêu thụ trên 1.000 tấn/năm.
Tại một hội thảo mới đây, tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng một trong những hướng đột phá để Lâm Đồng trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao là tham gia chuỗi liên kết cung cấp sản phẩm tại thị trường TPHCM. Hiện đã có 6 cơ sở ký kết tiêu thụ sản phẩm với Saigon Co.op; 30 cơ sở tham gia tiêu thụ rau với các siêu thị Lotte, BigC, Metro, Maximark, Aeon.
Nam Viên - Đoàn Kiên
>> Kỳ tới: Tạo “đất tốt” để phát triển