“Lướt sóng” để “chết chìm”
Để dễ dàng bắt chuyện với những người đầu tư trong giới chơi tiền kỹ thuật số, chúng tôi cũng học cách làm quen với các thuật ngữ như: trade (giao dịch), hold (nắm giữ), hay các từ lóng như “lướt sóng”, “cá mập”.
Học cách làm trader (người đầu tư ngắn hạn) “lướt sóng” trên những biểu đồ, chúng tôi mắt tròn mắt dẹt trước màn hình điện thoại với con số, biểu đồ xanh đỏ liên tục nhảy múa. Xem để cập nhật thị trường rồi nhanh chóng tắt điện thoại, anh Phan Nam Quang (47 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) nói: “Bây giờ, hết ham lướt sóng rồi. Đừng có nghe kiếm chục triệu đồng mỗi ngày mà ham, không dễ ăn với thị trường này đâu”.
Thấy chúng tôi tìm hiểu để đầu tư, anh Quang chia sẻ thêm kinh nghiệm của bản thân: “Lúc mới đầu tư, khi bắt đầu có lợi nhuận, dù chưa rành phân tích thị trường, tôi cũng đặt lệnh mỗi ngày. Hai ngày gần như mất trắng, may mà có một anh bạn cố vấn lại. Bây giờ tôi rút kinh nghiệm, chỉ đầu tư theo kiểu trữ trong ví điện tử. Mỗi lần muốn đặt lệnh thì nghiên cứu thị trường trước và đặt ra một mức tổng, đủ lời thì dừng chứ không tham kiểu làm giàu nhanh nữa”.
Những “tay mơ” khi bước chân vào thị trường tiền kỹ thuật số thường bị hấp dẫn bởi lợi nhuận của việc “lướt sóng” mà trở thành con mồi cho các cố vấn, chuyên gia tài chính… N.H.H. (33 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) kể: “Khi tôi đầu tư vào thị trường này, giá Bitcoin (BTC) đã rất cao. Tôi chọn đầu tư vào các đồng khác, một người cố vấn cho tôi từ lúc tạo tài khoản, tạo ví dự trữ và tham gia vào các sàn, nhận hỗ trợ tôi đặt lệnh miễn phí trong 1 tháng đầu và chỉ tính hoa hồng từ tháng thứ 2. Một tháng đầu, lợi nhuận khá ổn nhưng không nhiều; sang tháng thứ 2, vài lệnh đầu lợi nhuận cao nhưng bù lại, mất một khoản hoa hồng cho cố vấn. Rồi từ “lướt sóng”, tôi “chết chìm” trong tích tắc, vì đặt lệnh sai so với biến động thị trường. Sau này, tôi đầu tư lại, chỉ mua rồi trữ trong ví, để đầu óc thảnh thơi làm việc khác, khi nào cảm thấy thật cần hoặc có lời như dự tính thì bán”.
“Thợ đào” gặp “thợ săn”
Với mức giá hiện tại trên thị trường, không chỉ riêng chúng tôi mà bất kỳ ai tìm hiểu về tiền kỹ thuật số hẳn sẽ mong sở hữu một phần nhỏ BTC. Tìm đến “thợ đào” và các hội nhóm chia sẻ đào BTC trên mạng xã hội, chúng tôi mới hiểu thực tế chuyện đào BTC không “đẹp” như giá BTC trên thị trường.
“Thấy đường link chia sẻ đào BTC và kiếm lợi nhuận ngay trong ngày, bao gồm cả những đồng khác nếu gom đủ cũng có thể quy đổi ra BTC nên tôi tham gia thử. Mới vào đã bắt nạp tiền và sau vài thủ thuật thì tài khoản của tôi bị khóa. May mà thoát ra kịp, tiền mất coi như mua bài học chứ không may bị tấn công tài khoản cá nhân thì coi như mất sạch”, M.T.T. (26 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ.
BTC không có máy chủ tập trung và phân tán trên toàn thế giới (tổng cộng có 21 triệu BTC), chính vì vậy, xuất hiện không ít “thợ đào”. Đào BTC là quá trình giải mã các thuật toán phức tạp và khi giải mã thành công, “thợ đào” nhận được phần thưởng là 1 BTC, nhưng để làm được việc này phải có máy đào cấu hình mạnh và làm việc liên tục. Qua mỗi năm, thuật toán của BTC tăng độ khó lên gấp 4 lần và lượng BTC còn lại rất ít nên việc đào BTC ngày càng khó và cạnh tranh.
Việc đào và khai thác các đồng tiền kỹ thuật số cũng không hẳn chỉ có “sập bẫy” mà nó có thật. Tuy nhiên, nếu không phải là BTC thì những đồng dễ đào khác đem lại lợi nhuận không bao nhiêu, thậm chí chỉ vài chục ngàn đồng cho cả một ngày đào. Một chiêu khác để các “thợ săn” đưa người chơi vào bẫy chính là việc mua bán BTC và các đồng tiền kỹ thuật số khác. Có nhiều cách để mua được tiền kỹ thuật số như mua trực tiếp ở sàn giao dịch, tuy nhiên cách này tốn thời gian và mất phí. Để sở hữu tiền kỹ thuật số, người chơi thường mua “chợ đen” - tức là mua bán qua lại giữa những người chơi. Dù hiện tại, BTC hay tiền kỹ thuật số khác chưa bị đánh thuế, nhưng để tránh bị đánh thuế thông qua sao kê ngân hàng sau này, người bán thường dặn người mua khi chuyển khoản không ghi nội dung, hoặc ghi nội dung khác, không ghi giao dịch mua bán tiền kỹ thuật số.
Lợi dụng điều này, không ít “tay mơ” đụng phải “thợ săn”, tiền đã chuyển đi, nhưng BTC (hoặc đồng kỹ thuật số khác) vẫn bặt vô âm tín. “Vì chưa có luật cụ thể, lỡ mất tiền thì coi như học phí để khôn ra, chứ kiện cáo cũng không biết căn cứ theo luật nào để xử. Mới bước vào thị trường này, tốt nhất đứng từ xa quan sát và tìm hiểu, muốn mua kiểu chợ đen phải lựa người uy tín. Đó là chuyện trước đây, bây giờ đầu tư tiền kỹ thuật số, đa phần người chơi đều tìm hiểu. Chỉ lo là mới đầu tư, ham lướt sóng kiếm lời nhanh mà cháy tài khoản thôi”, chị Nguyễn Thủy Tiên (36 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM, đầu tư BTC từ năm 2010) chia sẻ.
Cũng bí ẩn tương tự như người viết ra BTC, giới “cá mập” trong thị trường này được hiểu là những người sở hữu nhiều BTC, từ 50.000 BTC trở lên và khi họ liên kết thành nhóm, có thể thao túng thị trường, điều chỉnh giá BTC theo ý “cá mập” mong muốn. Với những người đang ở vạch xuất phát trong thị trường tiền kỹ thuật số như chúng tôi, không dễ gặp được “cá mập”.
Khi giá BTC đạt mốc 30.000 USD, nhiều người đầu tư vào đồng tiền này đứng ngồi không yên, dự đoán giá BTC có thể sẽ lập đỉnh mới, nhưng cũng có thể có đợt điều chỉnh mạnh như hồi năm ngoái. Lúc đó, trong một tháng, từ tháng 12-2018 đến tháng 1-2019, giá BTC đã rớt từ 20.000 USD xuống còn 3.000 USD.
Chúng tôi kết nối qua điện thoại với chị P.T. (người đầu tư BTC từ năm 2010, 38 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM), chị P.T. cho biết vẫn nhất quyết giữ BTC ở thời điểm này. “BTC bây giờ là cuộc chơi của những “cá mập”, dự đoán là tương lai còn tăng nữa, tốt nhất cứ giữ không nên mua bán gì. Không đủ am hiểu thị trường thì đừng ham mà “lướt sóng”, biên độ lên xuống của nó rất mạnh, tâm lý bị ảnh hưởng, vội vã bán ra thì lúc nó tăng lại dễ tự tử lắm, vụ này tôi từng chứng kiến rồi”, chị P.T. chia sẻ.
Với kinh nghiệm đầu tư BTC từ năm 2013, chị T.N. (27 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) kể: “Nếu “cá mập” muốn thao túng thị trường, họ chỉ cần đưa lên sàn số lượng lớn BTC với giá thấp hơn hiện tại một chút, người sở hữu BTC nhỏ lẻ rất dễ bị dao động, sợ giá sẽ tiếp tục xuống, lập tức bán ra. Các “cá mập” chỉ chờ để mua lại và hôm sau cùng với số BTC của mình, họ đẩy giá tăng gấp 3, 4 lần. Như vậy người giàu chỉ có giàu hơn”.
“BTC có thay thế cho vàng trong tương lai hay không thì tôi không đủ kinh nghiệm để nhận định, nhưng các đồng tiền kỹ thuật số sẽ phát triển mạnh ở tương lai. Năm 2014, tôi may mắn làm quen được người sở hữu BTC nhiều thứ 2 thế giới, sau này ông là cố vấn cho tập đoàn mà tôi làm việc. Ở thời điểm đó, ông cho tôi lời khuyên nên mua và trữ BTC, bằng chứng đến nay giá BTC đã tăng chóng mặt, lời gấp nhiều lần so với số tiền tôi bỏ ra lúc đầu”, chị T.N. kể.
Ở Việt Nam vẫn chưa chấp nhận dùng BTC làm phương tiện thanh toán, nhưng không cấm đầu tư và lưu trữ BTC. Vì chưa có quy định rõ ràng và cụ thể nên để nói sàn giao dịch BTC có hợp pháp không thì còn tùy. Dựa vào phân tích kỹ thuật và đọc tín hiệu trên thị trường, nếu dự đoán giá BTC tăng, người chơi đặt lệnh Long (mua vào) ở mức giá thấp và đóng vị thế (bán ra) chốt lời khi giá BTC tăng. Ngược lại, khi dự đoán giá BTC sẽ đi xuống, lúc này người chơi đặt lệnh Short (bán khống) ở mức giá cao và đóng vị thế (mua vào) chốt lời khi giá BTC giảm. Nếu không đủ am hiểu thị trường, rất dễ khiến người chơi càng muốn “ăn đậm”, việc đặt lệnh giao dịch dần nghiêng về đánh cược nhiều hơn là đầu tư tài chính chọn lọc. Tại các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, chỉ cần mở tài khoản và nạp tiền, bất kỳ ai cũng có thể “lướt sóng” và đặt lệnh kiếm lời. Ví dụ giá hiện tại của BTC là 40.000 USD và người “lướt sóng” dự đoán trong 5 phút sau giá sẽ tăng 44.000 USD (tức là tăng 10%) và đặt lệnh Long. Đúng như dự đoán, sau khi chốt lệnh, trader nhận về 110% tiền cược. |