Dễ dàng trốn thuế
Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là hai trong số các lãnh đạo thế giới đã cảnh báo về việc tiền số ngày càng được sử dụng nhiều hơn để chuyển tiền ra nước ngoài. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã kêu gọi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới hãy hợp tác để đảm bảo tiền số không trở thành “tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ tiếp theo”.
Theo nghiên cứu, châu Âu chiếm tỷ trọng giao dịch bitcoin phạm pháp nhiều nhất, lớn gấp 5 lần ở Bắc Mỹ. Châu Á dù là nơi có thị trường tiền ảo sôi động nhất nhưng lại sạch nhất. Nhu cầu tìm ra cách mới để cất giấu tài sản đang tăng rất mạnh trong bối cảnh giới chức Mỹ và châu Âu ngày càng mạnh tay với các ngân hàng truyền thống bằng luật chống rửa tiền hay luật bắt buộc phía ngân hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin khách hàng. Nhiều định chế tài chính cũng bắt buộc phải hạn chế khả năng tiếp cận của khách hàng với hệ thống ngân hàng siêu bảo mật ở Thụy Sĩ.
Hoạt động sử dụng tiền số để cất giấu tài sản ở nước ngoài đang biến hóa nhanh chóng, đặc biệt là sự ra đời của ZCash và Monero, những đồng tiền số bảo mật sử dụng các phương pháp mã hóa khiến rất khó để tìm ra dấu vết.
Theo Grayscale Investments, công ty cung cấp dịch vụ ủy thác ZCash cho các nhà đầu tư, trên toàn thế giới có khoảng 10.000 tỷ USD đang được nắm giữ ở nước ngoài. Đồng ZCash được dự báo đến năm 2025 sẽ chiếm khoảng 10% trong số đó. Matthew Beck, một lãnh đạo của Grayscale cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử bất kỳ ai cũng có thể cất giữ tiền trong “ngân hàng của chính mình”. Luật hiện hành yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo những hoạt động khả nghi (ví dụ như rút hơn 9.999 USD), trong khi các sàn tiền số phải lưu thông tin khách hàng.
Trăm hoa đua nở
Hiện tại có rất nhiều hình thức đầu tư tiền ảo hay còn gọi là tiền mã hóa (crypto-currency), nhưng chủ yếu biểu hiện ở 5 dạng thức sau:
(1) Đầu tư trữ tiền ảo và giao dịch (Hold & Trade). Hai hình thức này gộp chung vì chủ yếu bạn sẽ mua coin và trữ coin hoặc mua đi bán lại để kiếm tiền chênh lệch, nhưng mức độ rủi ro cũng cao vì nếu sai một chút thì cũng mất tất cả. Nếu bạn chọn sai ví để dự trữ coin thì một ngày đẹp trời, bạn không thể vào ví của mình nữa, hoặc bạn có thể dính virus, mã độc… trắng tay. Những dạng này đa phần do sử dụng hệ điều hành không có bản quyền, không có phần mềm diệt virus và vào những trang có chứa mã độc, thậm chí là bị lấy cắp dữ liệu mà không hề biết.
Ngoài ra, chọn không đúng sàn giao dịch coin cũng sẽ dễ dàng bị mất trắng, vì đội ngũ của sàn thiếu kinh nghiệm hoặc lừa đảo. Nhưng hình thức đầu tư dạng này vẫn an toàn hơn những dạng còn lại, vì dù sao những sàn giao dịch có địa chỉ và công ty được cấp phép rõ ràng. Các ví cũng như những nhà cung cấp ví coin cũng tương tự, họ bán dịch vụ và được cấp phép, có trách nhiệm và nghĩa vụ với pháp luật.
(2) Đầu tư tiền ảo theo mô hình MLM (Multi Level Marketing) - một hình thức mà tại Việt Nam thường gọi là đa cấp. Mô hình này được áp dụng vào đầu tư tiền ảo, điển hình là Bitconnect, Firstcoin, Regalcoin, Etherbanking, Hextracoin và nhiều đồng coin khác nữa. Những đồng coin dạng này không hề giúp cho thị trường phát triển, nó tạo ra để người mới vào có thể giới thiệu cho người tiếp theo và ăn hoa hồng. Cứ như thế, người này lôi kéo người kia vào cho đến khi không còn ai lôi kéo được nữa thì sập tiệm.
(3) Đầu tư tiền ảo hình thức gọi vốn (ICO). Hình thức đầu tư này vô cùng nguy hiểm, chính vì mức độ nguy hiểm của nó nên giá trị mang lại cũng cực lớn. Đầu tư vào hình thức này sẽ có siêu lợi nhuận, nếu ICO thành công có thể kiếm gấp 10 lần trở lên. Dạng đầu tư này phải chờ từ vài tháng đến 1 năm, rủi ro đầu tư dạng này khá cao vì đồng coin đầu tư không được lên sàn giao dịch. Thường những hình thức kêu gọi đầu tư ICO không xấu nhưng nó có quá nhiều rủi ro, đặc biệt đã có rất nhiều vụ lừa đảo thông qua việc kêu gọi đầu tư với hình thức này. Chính vì vậy mà hiện tại Trung Quốc và Hàn Quốc đều cấm dạng đầu tư ICO. Với siêu lợi nhuận mà hình thức đầu tư ICO mang lại, vẫn có rất nhiều người đầu tư, nhưng đều là những người có nhiều kinh nghiệm hoặc những công ty đầu tư mạo hiểm có đội ngũ chuyên nghiệp mới đầu tư dạng này.
(4) Đầu tư siêu lợi nhuận với tiền ảo (HYIP). Đây là một hình thức đầu tư coin mạo hiểm bởi vì tiền của bạn đưa cho người khác để người khác dùng kiếm tiền. Nếu may mắn người ta sẽ dùng tiền của bạn kiếm được nhiều tiền và bạn sẽ được chia lợi nhuận từ những gì mình đã đầu tư. Vậy chính xác là bạn đang đầu tư cho người đó, đầu tư cho những gì người đó chuẩn bị làm chứ không phải đầu tư tiền ảo. Công việc của bạn chỉ là chờ người đó làm việc và chia lại hoa hồng cho bạn từ số tiền của bạn. Rất ít nhà đầu tư dạng này, bởi nó chẳng khác nào nằm chờ sung rụng.
(5) Đầu tư ủy thác và lending platform. Nhà đầu tư dùng một loại Crypto base (thường được gọi là đồng base, đồng cơ sở, đồng trung gian là những loại tiền ảo lớn, chính ngạch, có tính thanh khoản cao) mua một loại tiền ảo mới có cơ chế lending (cho vay lấy lãi) và nhận được số lượng tiền mới tương ứng, có 2 lựa chọn: giữ lại chờ tăng giá, hoặc cho vay lấy lãi hàng tháng. Lãi suất khá cao (từ 30%-50%) nên rủi ro cũng rất cao. Khi bạn tham gia mô hình lending, các nhà đầu tư nhận tiền đều đặn trong một khoảng thời gian nhất định sẽ có khuynh hướng chia sẻ cho bạn bè, người thân để mua vào. Có rất nhiều dự án kết hợp giữa ICO Lending như Bitconnect, Regalcoin, Firstcoin, Regalcoin, Etherbanking, Hextracoin, Ethconnect…
Kỳ vọng không tưởng
Jason Bloomberg, Chủ tịch của Intellyx và là chuyên gia phân tích đầu ngành về cách mạng kỹ thuật số có bài viết mới được đăng tải trên tạp chí Forbes, nêu ra 7 lời dối lòng mà những người tôn sùng các đồng tiền ảo thường mắc phải khi đặt kỳ vọng vào việc đầu tư tiền ảo.
Thứ nhất là Ngụy biện đen trắng: Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung là loại tài sản hoàn toàn mới mà mọi phép so sánh đều trở nên khập khiễng, nên phản ứng thường thấy theo xu hướng ngụy biện đen trắng là cho rằng bitcoin chỉ có thể là bong bóng đầu cơ hoặc thực sự là loại tiền tệ mới sẽ thay thế tất cả đồng tiền hiện nay. Từ đó sẽ đi đến lập luận: việc để các chính phủ quản lý cung tiền như hiện nay ẩn chứa nhiều vấn đề, vì thế chúng ta cần một nguồn cung tiền không phụ thuộc vào bất kỳ chính phủ nào. Trong khi đó, cải thiện cách quản lý cung tiền của các chính phủ mới là giải pháp hiệu quả.
Thứ hai, giá trị vốn hóa của tiền ảo là chỉ số có nhiều ý nghĩa: Công thức tính toán giá trị vốn hóa rất đơn giản nhưng cũng dễ đánh lừa người khác: nhân số lượng bitcoin đang tồn tại với mức giá hiện tại của nó. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của bitcoin hơn 100 tỷ USD (theo số liệu Coinmarketcap). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là 100 tỷ USD đang tồn tại ở một nơi nào đó và sẽ được phát tán cho những người đang nắm giữ bitcoin. Khi bong bóng vỡ và mọi người đều muốn thoát ra để lấy lại tiền của mình, tổng số tiền để phân chia sẽ không bao giờ lớn hơn tổng số tiền đã được rót vào bitcoin, con số đó nhỏ hơn rất nhiều so với mức giá trị vốn hóa hiện nay.
Thứ ba, hệ thống xử lý giao dịch phi tập trung là 1 ý tưởng tốt: Giống như bất kỳ công nghệ nào dựa trên nền tảng blockchain, mọi cơ sở hạ tầng hỗ trợ giao dịch tiền số đều phụ thuộc vào hệ thống xử lý giao dịch phi tập trung. Trong trường hợp của bitcoin, đó là những “thợ mỏ” được thưởng bằng đồng bitcoin. Mô hình này có một vài hạn chế như chi phí đào coin sẽ ngày càng đắt đỏ và ngốn một lượng điện khổng lồ, nhưng đây không phải là vấn đề lớn nhất. Quả bom hẹn giờ đằng sau bitcoin và các đồng tiền số tương tự là nếu như giá trị thị trường của khoản thưởng xuống thấp hơn chi phí đào, các thợ mỏ sẽ ngừng đào, đồng nghĩa không còn ai xử lý giao dịch và cuối cùng cả hệ thống sẽ ngừng hoạt động.
Thứ tư, nắm giữ mãi mãi là 1 chiến lược tốt: Một bộ phận đầu cơ kiếm bộn tiền nhờ bán ra khi giá lên và mua vào khi giá xuống, tất nhiên là vì họ có khả năng chọn đúng thời điểm. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều người tin rằng, giá bitcoin và altcoin sẽ nhân lên nhiều lần trong tương lai và họ sẽ không bán ra dù mức độ biến động giá lớn đến mức nào. Thực tế, càng nhiều người có quan điểm như vậy thì bong bóng đầu cơ càng phình to. Chỉ có những người biết thoát ra đúng thời điểm thì mới có thể kiếm tiền trong cơn sốt đầu cơ, những người còn lại sẽ thua cuộc.
Thứ năm, các đồng tiền ảo có thể trở thành 1 phương tiện trao đổi hùng mạnh: Chỉ có tối đa 21 triệu đồng bitcoin được tạo ra, việc tạo ra đồng mới ngày càng khó khăn và công nghệ blockchain không cho phép gian lận chi tiêu. Đây là những đặc tính quan trọng tạo nên giá trị đầu cơ tích trữ của bitcoin, nhưng điều này khiến bitcoin không thể được sử dụng rộng rãi như 1 phương tiện trao đổi.
Thứ sáu, những đồng altcoin sẽ sửa chữa hết những điểm hạn chế của bitcoin: Có hàng trăm đồng altcoin và số lượng sẽ còn tiếp tục tăng lên. Giờ đây cả những người hâm mộ cuồng nhiệt của bitcoin cũng phải thừa nhận rằng, đồng tiền này có một số điểm hạn chế, thậm chí một số người đã “nhảy tàu” sang những đồng altcoin được cho là sẽ khắc phục những nhược điểm của bitcoin. Nhưng thực tế, đồng altcoin dễ dàng bị bọn tội phạm lợi dụng hơn vì tính nặc danh cao hơn và biến động giá dù mạnh đến mức nào cũng không gây nhiều thiệt hại bằng bitcoin.
Cuối cùng, các đồng tiền ảo sinh ra sau các vụ phát hành đều sẽ có giá trị: Hoạt động phát hành tiền số lần đầu ra công chúng là 1 kênh để các công ty khởi nghiệp (startup) huy động vốn từ nhà đầu tư nhưng nhiều startup phát hành tiền số “từ hư không” và bán chúng cho người đầu cơ. Do chưa được quản lý chặt chẽ nên các công ty lừa đảo dễ dàng kêu gọi vốn đầu tư để rồi dự án “bánh vẽ” không thể phát triển và cuối cùng tiền của nhà đầu tư sẽ bị cuỗm sạch.