Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật: Người trong cuộc nói gì?

Vụ nhiều người dân mù quáng đầu tư vào tiền ảo với “lãi suất khủng” 48% trong thời gian ngắn của dự án iFan và Pincoin đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân. Bởi, dự án đầu tư tiền ảo nhưng mất tiền thật!
Các nhà đầu tư giăng băng rôn tố cáo những hoạt động lừa đảo tại Công ty Modern Tech
Các nhà đầu tư giăng băng rôn tố cáo những hoạt động lừa đảo tại Công ty Modern Tech

Vay mượn hàng chục tỷ đồng để đầu tư tiền ảo

Sau sự việc một số nhà đầu tư bị “sập bẫy” Công ty CP Modern Tech (quận 1, TPHCM) kinh doanh “tiền ảo” với số tiền thật bị mất lên tới 15.000 tỷ đồng, ngày 10-4, một trong 7 người được cho là đại diện của Công ty Modern Tech tại Việt Nam cho biết không thể trả lời điều gì vào lúc này, vị đại diện này cho rằng người dân đang hiểu sai bản chất của việc đầu tư tiền ảo, không như cáo buộc” như nhà đầu tư thông tin?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 7 người đứng ra thành lập Công ty CP Modern Tech thì có một số người cực kỳ nổi tiếng trong giới kinh doanh, vì thế các nhà đầu tư tham gia đầu tư tiền ảo tại đây luôn mang một niềm tin sẽ có lợi nhuận cao.

Theo một số nạn nhân tại TPHCM, nhà đầu tư muốn mua iFan coin sẽ phải dùng đồng tiền kỹ thuật số ETH để thực hiện, tổng số iFan coin được phát hành là 210 triệu coin và giai đoạn huy động vốn ban đầu là 21 triệu coin. iFan chia ra làm 4 giai đoạn phát hành để huy động vốn với mức giá tương ứng từ 0,8 - 12,8USD/iFan. Nhóm tạo lập iFan áp dụng hình thức ủy thác đầu tư để hưởng lãi suất 48%/tháng. Để phát triển mạng lưới, nhóm sáng lập iFan chi trả hoa hồng môi giới đến 8% trên số tiền mới tham gia. Đồng thời, nhóm này còn kêu gọi người tham gia vào với lời hứa giá iFan tăng gấp 10 - 50 lần trong vòng 2 tháng tiếp theo và vẽ ra một viễn cảnh hoàn toàn viễn vông nhưng khiến nhiều người tin và đầu tư tiền thật vào tiền ảo iFan.

Ông H., một nhà đầu tư cho biết, cuối năm 2017 được nhân viên Công ty Modern Tech tư vấn tham gia mua tiền ảo iFan và Pincoin với lãi suất cao, trong đó iFan là 48%/tháng, còn Pincoin là 35%/tháng. Thấy lợi nhuận quá hời, ông H. vay mượn bạn bè hơn chục tỷ đồng để mua “tiền ảo”. Đến thời hạn rút tiền thì hai hệ thống bị sập, mất tiền tỷ mà chưa thu được xu nào như lời hứa hẹn.

Hay nhà đầu tư tên M. cho biết, trong các nhà đầu tư có đủ thành phần, người giàu, người nghèo, doanh nhân, lao động, sinh viên…Thực tế, một số nhà đầu tư sau khi tham gia nhưng không thấy lợi nhuận như hứa hẹn nên đòi trả tiền. Cũng có một số trường hợp được trả một ít, còn lại đa số là mất trắng. Nhiều nhà đầu tư lên các trang mạng xã hội Facebook của nhóm iFan cảnh báo lừa đảo huy động vốn thì bị nhóm này chặn lại không cho vào trang nữa. Hiện giờ số người tham gia iFan cũng lên đến mấy chục ngàn người.

Cần quy định chặt chẽ để quản lý 

Theo Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, chính người chơi cũng vi phạm pháp luật bởi luật Việt Nam không cho phép đầu tư tiền ảo. Đại tá Phan Mạnh Trường khẳng định việc công ty nói trên huy động vốn của người dân để đầu tư vào tiền ảo iFan và Pincoin là giao dịch trái pháp luật. Người chơi đầu tư tiền ảo, nhưng lại bị mất tiền thật, vừa có thể bị xử lý hình sự.

Đại úy Nguyễn Nam Hào (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) phân tích thêm, về xử lý vi phạm, theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền 150-200 triệu đồng. 

Bộ Công an và Công an TPHCM từng cảnh báo người dân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác nhưng người dân lại bỏ qua các cảnh báo và lao vào đầu tư tiền ảo.

Điều đáng nói là kể từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào thực hiện hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả” gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Ông Hào nhấn mạnh, cho đến nay, theo pháp luật Việt Nam, bitcoin và tiền điện tử không phải đồng tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Các hình thức ICO (kêu gọi, huy động vốn đầu tư) tiền điện tử chưa được pháp luật chấp nhận. Ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử,  tiền ảo và hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng. 

Đại úy Nguyễn Nam Hào kiến nghị, với thực tế nước ta hiện nay thì cần có những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để quản lý loại tiền ảo này, không để tội phạm lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, rửa tiền, tẩu tán tài sản.

Các loại tiền ảo được coi là phương tiện thanh toán không hợp pháp theo luật Việt Nam. Người phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo có thể bị xử lý hành chính theo Điều 28 Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; tùy mức độ vi phạm có thể bị truy tố hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Tuy nhiên, theo thông tin, iFan huy động vốn bằng hình thức tiền ảo nhưng thực tế người tham gia chỉ mua vào chứ không thực hiện giao dịch bán và kiếm lợi nhuận, tức là người tham gia không sử dụng tiền ảo để giao dịch mà bị lừa góp vốn dưới hình thức “tiền ảo”.
Theo luật, người tham gia có thể làm đơn tố giác tội phạm và khởi kiện dân sự đòi tài sản. Tuy nhiên, vấn đề chứng minh và kiện đòi tài sản rất khó, vì người tham gia chuyển tiền cho các cá nhân thuộc Công ty Modern Tech nhưng không có hợp đồng hoặc thỏa thuận chứng minh về mục đích chuyển tiền. Ngay cả trong trường hợp chứng minh được, việc người tham gia lấy lại được khoản tiền đã nộp còn tùy thuộc vào việc cơ quan điều tra kê biên và thu hồi tài sản phạm tội cũng như giá trị của tài sản được thu hồi.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG 
(Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục