
Ngay sau khi Sở Công thương TPHCM công bố chuỗi các cửa hàng phân phối thực phẩm an toàn, mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp (DN), đồng thời giúp người tiêu dùng có thể yên tâm hơn trong việc lựa chọn thực phẩm thiết yếu, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Định hướng tiêu dùng sản phẩm sạch
Ngày 7-12-2015, lần đầu tiên TPHCM công bố tổng số 246 điểm bán bán hàng thực phẩm được công nhận Chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi chủ yếu vẫn là rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. TP đã đưa ra tiêu chí chung cho các cửa hàng, cũng như từng sản phẩm sẽ được quản lý theo đúng quy trình từ chỉ dẫn địa lý đến nơi giết mổ và điểm bán cuối cùng, giúp người dân có thể an tâm mua sắm.

Chế biến rau VietGAP tại Hợp tác xã Phước An cung ứng bình ổn thị trường (Ảnh: CAO THĂNG)
Chỉ sau 4 tháng triển khai thực hiện, tính đến cuối tháng 4-2016, danh sách này đã tăng lên không ngừng và hiện đạt 308 điểm bán. Trong số đó, Công ty Vissan là DN đầu tiên công bố cung ứng 100% lượng thịt heo đưa ra thị trường là heo đạt chuẩn VietGAP vào ngày 15-4 vừa qua. Theo đó, Vissan cũng sử dụng thịt heo VietGAP cho tất cả các mặt hàng thực phẩm chế biến và đông lạnh như giò lụa, xúc xích, chả giò, nem nướng...
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, tổng số lượng các điểm bán thịt tươi sống của Vissan bao gồm 309 điểm thuộc các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và 146 điểm tại các chợ truyền thống. Tại các điểm bán này đều có bảng chỉ dẫn thịt heo VietGAP để người tiêu dùng nhận biết. Trong trường hợp Vissan mở rộng thêm điểm bán thịt heo VietGAP, Vissan sẽ liên tục cập nhật danh sách các điểm bán này trên website chính thức của công ty tại địa chỉ www.vissan.com.vn và trên các phương tiện truyền thông khác.
Về nguồn heo VietGAP, Vissan thu mua từ các trang trại nuôi heo VietGAP đã được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát bởi các đơn vị chức năng. Tổng số lượng thịt heo VietGAP do Vissan cung ứng ra thị trường trung bình 70 tấn/ngày, chiếm 100% lượng thịt heo Vissan bán trên thị trường. Toàn bộ nguồn heo do Vissan giết mổ đều được sự kiểm soát chặt chẽ của đơn vị chức năng, hơn nữa công ty còn tổ chức kiểm tra nhanh các chất cấm trong chăn nuôi, kiểm tra 100% lượng heo thu mua trước sự giám sát của cơ quan thú y. Thịt heo VietGAP của Vissan đáp ứng các tiêu chí sạch - an toàn, giá cả ổn định. Theo ông Văn Đức Mười, hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường, nếu DN không định vị lại khách hàng, sản phẩm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà.
Riêng Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đăng ký phân phối 4.000 mặt hàng lương thực - TPAT đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGAP tại các điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.op Food. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình trên cả nước.
Tập đoàn Vingroup đã đầu tư 2.000 tỷ đồng đẩy mạnh sản xuất rau sạch tại các cánh đồng mẫu lớn của Nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai). Toàn bộ sản phẩm rau sạch mang thương hiệu VinEco được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, Vingroup sử dụng công nghệ Israel, được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất rau siêu sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, trong khi giá bán các sản phẩm rau sạch VinEco chỉ đắt hơn từ 5%-10% so với giá rau thông thường.
Tăng tốc phát triển thực phẩm sạch
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản An Phú Đà Lạt (APP), cho biết, từ nhiều năm qua, công ty đã định hướng sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, trong đó có một số ít được trồng hữu cơ (organic). Các mặt hàng đều đi vào phân khúc tiêu dùng cao cấp trên thị trường như nhà hàng, khách sạn 5 sao tại TPHCM và các siêu thị như Metro, Aeon, Big C. Sản phẩm chủ yếu của công ty hiện có là cà chua cherry, cà chua vàng, cà chua tím, dưa leo baby, cải bó xôi, cà rốt, và các loại xà lách giống nhập ngoại… Riêng mặt hàng đậu Hà Lan ngọt, công ty được độc quyền trồng từ loại giống của Mỹ để xuất khẩu, đồng thời cung ứng trong nước. Điều khiến mọi người rất thú vị là khi đến trang trại của APP, tất cả các sản phẩm khi hái đều có thể dùng được ngay. Ông Bình giải thích, để đạt được các tiêu chuẩn nêu trên, ngoài nguồn đất an toàn thì quy trình trồng và tưới nước cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài việc tự kiểm tra, các đối tác cũng sẽ test hàng đột xuất, nếu không đảm bảo họ sẽ ngưng đơn hàng ngay.
Cũng theo ông Bình, gần đây có nhiều đối tác từ Hà Nội đặt hàng cung ứng sản phẩm, nhưng công ty không dám nhận vì diện tích sản xuất mới chỉ gói gọn trong 17ha nên chưa thể tăng sản lượng. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư một trang trại khép kín, trong đó trồng tất cả các loại rau quả cao cấp để du khách có thể đến tham quan và sử dụng các loại thực phẩm sạch. Sản xuất kết hợp với du lịch sẽ là xu hướng đầu tư mới của công ty.
Bà Phạm Thị Thu Cúc, chủ thương hiệu rau organic rất nổi tiếng “Rừng hoa Bạch Cúc” lại đi theo một hướng khác, đó là trồng hơn 20 loại rau thơm ngoại nhập, thường được sử dụng tại Việt Nam như củ hồi, quế tím, origano, lavender... Bên cạnh đó, bà Cúc còn trồng thêm một số loại rau khác cũng chủ yếu phục vụ cho khách hàng cao cấp như dưa leo baby, củ cải đỏ, cà chua cherry, cà chua beef, xà lách các loại. Điều khác với nông dân bình thường là bà Cúc không bán hàng theo giá thị trường lên xuống, mà bà cung cấp hàng cho khách với “giá chết”, dù giá thị trường có thay đổi thì giá bán vẫn ổn định. Bà Cúc hy vọng sẽ còn nhiều dư địa để tăng sản lượng cung ứng cho trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tương tự, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, cung ứng rau VietGAP cho các hệ thống bán lẻ tại TPHCM, đồng thời là DN cung ứng hàng cho Chương trình bình ổn thị trường, cho biết, các nhà sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đều phải kiểm soát được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc của toàn bộ sản phẩm. Những năm gần đây, Công ty Thảo Nguyên đã không ngừng nâng sản lượng, chủng loại các loại rau VietGAP. Nếu năm 2014, công ty mới chỉ sản xuất 50 sản phẩm rau củ quả thì nay đã tăng lên hơn 70 mặt hàng. Trên thực tế, khả năng mở rộng quy mô sản xuất vẫn có nhưng còn phụ thuộc vào đầu ra của sản phẩm.
Ông Nguyễn Lam Sơn: “Người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, giá cả ổn định cũng như nguồn gốc của sản phẩm. Vì vậy, để chinh phục được người tiêu dùng đòi hỏi công ty phải vừa đảm bảo an toàn, vừa minh bạch sản phẩm. Nhưng để DN phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành, cơ quan báo chí trong việc định hướng tiêu dùng sản phẩm VietGAP. Bởi lẽ, tự thân DN sẽ không thể thực hiện được”.
HẢI HÀ