Sân bay Long Thành trở thành điểm nóng trên bàn nghị sự của quốc gia trong suốt thời gian qua. Việc đầu tư xây dựng hoàn tất nhanh chóng sẽ giải quyết căn bản nạn quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, trở thành động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng tốc. Các cơ sở pháp lý đã dần thành hình hài, Quốc hội nhấn nút thông qua, Chính phủ dự toán kinh phí, phân kỳ đầu tư. Sân bay Long Thành sẽ khởi động thời gian sớm nhất, vấn đề đáng bàn là khai thác quỹ đất ven sân bay sẽ như thế nào; Nhà nước sẽ thu hồi lại được bao nhiêu tiền khi bỏ ra cả núi tiền để xây dựng?
Có mặt ở khu vực quy hoạch dự án sân bay Long Thành vào những ngày này, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là giá đất nhảy múa, cò đất hoạt động tấp nập, rao bán khắp nơi; mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản ngưng tách thửa từ tháng 4 năm nay. Những khu đất nhỏ lẻ làm dự án phân lô bán nền mở bán, đều dựa hơi “sân bay Long Thành”.
Đáng chú ý, mặc dù kỳ họp mới đây Quốc hội đã thông qua diện tích đất thu hồi bao gồm diện tích đất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha, và diện tích đất xây dựng các khu tái định cư tập trung, diện tích nghĩa trang, diện tích các công trình phục vụ tái định cư, nhưng chưa có quy hoạch chi tiết. Còn vùng phụ cận 21.000ha thì tỉnh đang chờ Chính phủ sớm có chỉ đạo về quy hoạch.
Hay nói cách khác, quy hoạch lõi sân bay và vùng phụ cận chưa có, việc buôn bán và đẩy giá đất lên là đón gió, đầu cơ; nhưng đây cũng là sự gợi mở để tính toán dài hơi, bài bản trong câu chuyện phê duyệt- thực hiện quy hoạch, đảm bảo quyền lợi toàn cục khi bắt tay làm sân bay Long Thành.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ USD. Dự tính sẽ cần 23.000 tỷ đồng hoàn tất công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; nhưng vốn để thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ mới bố trí được 5.000 tỷ đồng. Rõ ràng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc bố trí vốn cho sân bay Long Thành dễ rơi vào tình cảnh hụt hơi so với mong mỏi đẩy nhanh tiến độ đầu tư!
Trở lại với vị trí sân bay Long Thành, chỉ vài năm nữa thôi, khi mà đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thông tuyến, sẽ biến nơi đây thành khu vực trung tâm của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, hành khách - hàng hóa đi và đến sẽ lan tỏa đến TPHCM, Đồng Nai, xuôi về Bà Rịa - Vũng Tàu, hay qua Bình Dương, kết nối với Tây Nguyên, là cửa ngõ với miền Tây cũng như miền Trung.
Với vị trí đặc biệt như vậy, Long Thành không chỉ là cảng hàng không đơn thuần mà sẽ có hàng loạt trung tâm logistics mọc lên để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, các khu trung tâm thương mại, các hệ thống khách sạn nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, các khu đô thị ven sân bay… Với tham vọng rất lớn, khi hoàn thành công suất lên đến 100 triệu hành khách mỗi năm, tức là hơn gấp 3 lần so với sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại, sân bay Long Thành sẽ thành một trung tâm dịch vụ kinh tế sầm uất số một của Việt Nam, thuộc tốp quy mô hàng đầu thế giới.
Chắc chắn với vị thế đặc biệt của sân bay Long Thành, nếu thực hiện bài bản chúng ta sẽ thu lại chi phí đầu tư không hề nhỏ. Nhìn từ góc độ bất động sản, lấy ví dụ từ sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay giá chung cư mà các công ty đang xây dựng để bán đều không dưới 40 triệu đồng/m², sức mua rất tốt. Một dự án khu dân cư hiếm hoi gần sân bay, mặc dù nằm ven theo đường cất và hạ cánh của máy bay đều bán chạy. Vài khách sạn gần sân bay (không nhiều) kinh doanh rất hiệu quả. Tất nhiên, vì quỹ đất ven sân bay Tân Sơn Nhất không còn đáng kể nên xây dựng các trung tâm dịch vụ không phù hợp.
Sân bay Long Thành còn “trinh nguyên”, có thể thực hiện được hàng loạt công trình có tầm nhìn hàng trăm năm và phù hợp với quy mô của dự án. Trước tiên, Nhà nước bỏ tiền đền bù và nắm giữ toàn bộ quỹ đất ven lõi sân bay. Từ quỹ đất này sẽ phác thảo toàn bộ các hạng mục công trình dịch vụ đẳng cấp cũng như cho đến xây dựng khu đô thị, kể cả cần thiết có một sân golf phục vụ cho du khách (giống như sân golf sát sân bay Changi của Singapore hiện nay) hoặc sòng bạc dành cho người nước ngoài…
Kế đó, từng hạng mục sẽ được tổ chức đấu giá - đấu thầu công khai, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự. Vì pháp luật về nhà ở chúng ta đã cho người nước ngoài mua nhà, nên kéo dài thời hạn cho thuê đất để hút được các nhà đầu tư lớn trên thế giới tham gia. Đặc biệt, phải kiên định công khai khai thác quỹ đất, không giao đất cho bất cứ hình thức nào mà không qua đấu giá - đấu thầu, nhằm loại bỏ hẳn hình thức đầu tư BT- đổi đất lấy hạ tầng, một loại hình đầu tư tù mù, thiếu minh bạch như lâu nay đã triển khai ở nhiều nơi.
Với cách làm như trên, cộng với tốc độ mở cửa và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường lớn (dân số gần 100 triệu dân) sân bay Long Thành sẽ trở thành thỏi nam châm cực mạnh sẽ thu hút được nguồn vốn lớn của các nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta sẽ có được sân bay hiện đại số một của thế giới, đồng thời cũng có được những công trình dịch vụ đẳng cấp tương ứng. Quan trọng hơn, Nhà nước sẽ thu hồi không hề ít vốn liếng bỏ ra đầu tư, sẽ giảm đi rất nhiều tiền thuế của dân hoặc phải vay nợ quốc tế để đầu tư cho đại công trình này.
Thiết nghĩ, việc đầu tư cho sân bay Long Thành cần phải có tầm nhìn đa chiều, sâu và rộng, công tâm, để có công trình hiện đại có giá trị vượt thời gian hữu dụng cho nhiều đời sau, cũng như tiết kiệm ngân sách vì trong bối cảnh chúng ta còn nghèo, phải giật gấu vá vai, rất nhiều công trình cần phải đầu tư nhưng rơi vào tình trạng đói vốn!