Đầu tư phim Việt: Mạo hiểm với chính mình

Khi số lượng phim Việt ngày càng tăng, hệ quả tất yếu là khán giả đòi hỏi chất lượng tác phẩm cũng phải được nâng lên. Đó là lý do buộc các ê kíp sản xuất phim phải tự làm khó mình ở mọi khâu...  
 
Bối cảnh mãn nhãn trong Người bất tử
Bối cảnh mãn nhãn trong Người bất tử
Qua rồi thời dễ dãi

Gần đây, ê kíp thực hiện bộ phim Người bất tử đã trải qua hành trình 59 ngày với hơn 150 người cùng chinh phục những bối cảnh hoang sơ, kỳ vĩ và hiểm trở nhất đặc biệt tại “vương quốc” hang động Quảng Bình. Những lần lội suối, vượt núi, thậm chí chấp nhận ngủ đêm trong hang động để có những thước phim đẹp nhất đã được đền đáp. 

Không phải chỉ Người bất tử, trước đó nhiều dự án điện ảnh Việt cũng đã chấp nhận dấn thân vào những cảnh quay ở địa hình khó với mong muốn mang đến cho khán giả những khung hình tuyệt mỹ. Đạo diễn Lương Đình Dũng và ê kíp Cha cõng con đã thực hiện những cảnh quay giữa mùa lũ về, nơi núi rừng hoang sơ Bắc Mê (Hà Giang). Đó là 62 ngày quay phim đầy gian nan, thử thách lòng kiên định của đoàn phim với bất trắc luôn rình rập. Đoàn phim Liên minh huyền thoại (đạo diễn Phạm Văn Hải, Đinh Thái Thụy) có đến 90% cảnh quay được thực hiện trong rừng, ở khu vực khá hẻo lánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng. Nhiều lúc, những thành viên đoàn phim phải vác bộ các loại máy móc thiết bị đi 2-3km đường rừng, lúc nắng nóng khi mưa gió. Tương tự, ê kíp Ma nữ báo thù (đạo diễn Vĩnh Khương) là đoàn phim đầu tiên chọn dãy Bạch Mã làm bối cảnh chính. “Khán giả vẫn thường phàn nàn, các phim có bối cảnh na ná nhau, nhất là phim ma thường được quay tại Đà Lạt. Vì vậy, chúng tôi quyết định mạo hiểm, thậm chí phải vận chuyển các máy móc thiết bị trong đường rừng đến 5km để có cảnh quay ưng ý”, đạo diễn Vĩnh Khương chia sẻ. Rừng núi thâm sâu, hoang vu và hiểm trở cũng là bối cảnh chính của phim Tết 2017 Rừng xanh kỳ lạ truyện.

Một dự án khác cũng đang trong quá trình thực hiện là Tim hằn vết sẹo cũng có không ít bối cảnh khó tại các vùng núi non ở Ninh Bình. Bên cạnh đó, nhiều đoàn phim còn quyết định xuất ngoại để có những phân cảnh ưng ý. Có thể kể đến Dạ cổ hoài lang, Quyên, Âm mưu giày gót nhọn, Hai Lúa... hay mới nhất là Giấc mơ Mỹ

Chấp nhận được - mất

 Việc đầu tư cho các bối cảnh mới, ít xuất hiện trên màn ảnh rộng vừa là xu hướng, vừa là yêu cầu bắt buộc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Nhiều phim đã thu được quả ngọt khi được khán giả đón nhận nhiệt thành bởi những khung hình mãn nhãn: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Dạ cổ hoài lang... Và hành trình tìm kiếm những bối cảnh không chỉ đẹp, mới mà còn phù hợp với nội dung câu chuyện phim chưa bao giờ là dễ dàng. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, anh mất 2 năm đi dọc chiều dài đất nước để tìm ra địa danh phù hợp cho Người bất tử. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng mất nhiều tháng ròng đi khắp nơi chọn bối cảnh cho Cô gái đến từ hôm qua trước khi dừng chân ở Hội An... 

Trên thực tế, nhiều bối cảnh những tưởng dễ tìm nhưng để làm đến nơi đến chốn đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Sau khi may mắn tìm được ngôi nhà cổ ưng ý cho bộ phim Mẹ chồng, đạo diễn Lý Minh Thắng lại đau đầu với “chiều dài” của dàn diễn viên vốn xuất thân là các siêu mẫu. Với 70% bối cảnh được thực hiện tại đây, anh và ê kíp đã phải tốn nhiều công sức thiết kế phục trang, đạo cụ cũng như tính toán đặt góc máy, ánh sáng cho mỗi cảnh quay. Ngoài việc tìm bối cảnh mới, hiện nay nhiều đoàn phim cũng chấp nhận đổ tiền tỷ cho các đại cảnh. Liveshow nhạc rock trong Fan cuồng được chuẩn bị và ghi hình trong 7 ngày với sự tham gia của 6 ban nhạc rock Việt đình đám và gần 20.000 diễn viên quần chúng. Kết quả, cảnh quay này tốn của đoàn phim hơn 5 tỷ đồng. Tương tự, để quay trận đấu quyền anh trong Sám hối, đạo diễn Peter Hiền đã phải huy động hơn 2.000 diễn viên quần chúng và lo ăn uống cho gần 3.000 người. 4 ngày quay cho khoảng 15 phút phim trên màn ảnh rộng đã tốn 7 tỷ đồng.

Nhìn những khung hình mãn nhãn trên màn ảnh rộng, khán giả đều phải trầm trồ, nhưng trên thực tế, để hòa vốn chứ chưa nói đến lãi là câu chuyện không phải ai cũng dám mạnh miệng. Fan cuồng dù được đầu tư đến 26 tỷ đồng kinh phí sản xuất nhưng sau đó vẫn thất bại. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng chia sẻ: “Ngày nay làm phim rất khó nói trước về doanh thu vì không biết khán giả thích gì”.

Một bộ phim chất lượng được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả yêu quý là điều ê kíp nào cũng mong đợi. Vậy nên, đã qua rồi thời của những bộ phim “mì ăn liền”, bởi chỉ có chất lượng mới đủ sức cạnh tranh giữa sức ép thị trường.

Tin cùng chuyên mục