Đội ngũ y bác sĩ TPHCM, cùng với lực lượng hỗ trợ từ Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước, thực sự là những chiến sĩ nơi tuyến đầu, với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo vệ bình yên cho nước nhà. Những kết quả đạt được thời gian qua tạo nên niềm tin trong nhân dân về y đức, về tài năng, về sự tận tâm của các y bác sĩ và các lực lượng tham gia hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch.
Đảng và Nhà nước ta luôn xem công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, trực tiếp bảo vệ giống nòi, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của ngành y tế thời gian qua, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4, đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải có các giải pháp kịp thời cũng như sự đầu tư, quan tâm nhiều hơn nữa, trong đó hoạt động y tế cơ sở là vấn đề cần được xem xét một cách đúng thực chất.
Các chế độ chính sách hiện nay đã nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi nhưng vấn đề phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ y tế cơ sở chưa tương xứng, chỉ đảm bảo một phần trang trải đời sống gia đình. Nhiều nhân viên y tế phải làm thêm công việc ngoài đơn vị để cải thiện thu nhập. Đãi ngộ chưa thỏa đáng, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế về trạm y tế, do vậy một số đơn vị không thể tuyển được bác sĩ y khoa, bác sĩ y tế dự phòng; thậm chí có nhiều trạm y tế hiện nay không có bác sĩ. Việc giao chỉ tiêu số lượng người làm việc và xây dựng đề án vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đặc biệt là trạm y tế phường, xã, thị trấn gặp khó khăn do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Vì thế, chúng ta cần củng cố, đầu tư, nâng cao năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở. Trước hết, bố trí nhân lực y tế tại các trạm y tế theo quy mô dân số, đối với những địa phương có mật độ dân số ít có thể thành lập các trạm y tế liên phường. Cơ cấu cán bộ của trạm y tế phường, xã cũng cần phải có sự thay đổi phù hợp với tình hình mới, đảm bảo phải có bác sĩ chuyên ngành y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và quản lý số liệu. Cùng với đó cần nới lỏng các quy định pháp lý đối với hoạt động khám chữa bệnh từ xa cho trạm y tế để thực hiện khám chữa bệnh tại nhà, phát huy mô hình Bác sĩ gia đình. Chú ý cơ chế phối hợp cấp cứu và vận chuyển cấp cứu ngoại viện, vì hiện nay chưa đến 1% bệnh nhân cấp cứu nhập viện được vận chuyển bằng phương tiện cấp cứu y tế, để lại rất nhiều hậu quả cho người bệnh.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thay đổi chính sách bảo hiểm y tế phù hợp hơn theo hướng nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở. Trạm y tế phải có đủ thuốc tốt cho người mắc bệnh mãn tính theo nguyên tắc cùng một loại bệnh, cùng một mức độ bệnh thì trạm y tế phải có đủ thuốc tốt như các bệnh viện tuyến trên. Với những người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, người khó khăn trong việc đi lại, đề nghị bảo hiểm y tế chấp nhận thanh toán như là khi người bệnh đến trạm y tế.
Quan trọng hơn hết, chúng ta cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế, tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ chi phí đào tạo, có chỉ tiêu đào tạo cho cán bộ của trạm y tế để nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng này, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế. Có cơ chế thuận lợi hơn khi cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, trung tâm y tế không được xác nhận thời gian thực hành, phải gửi nhân sự đến các cơ sở khám chữa bệnh nên sau khi hết thời gian thực hành và được cấp chứng chỉ hành nghề, số nhân sự này rất ít người quay lại trung tâm y tế và trạm y tế làm việc. Cho nên, cần cho phép trung tâm y tế quận, huyện được xác nhận thời gian thực hành tại trung tâm y tế để cấp chứng chỉ hành nghề.
Cần thiết đưa hoạt động của trung tâm y tế gắn liền với hệ thống chính trị của địa phương. Đề xuất chuyển trung tâm y tế trực thuộc UBND quận, huyện quản lý để gắn kết địa phương hơn trong chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài ra, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng nhằm thu hút đội ngũ cán bộ y tế, tăng thu nhập, tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Mạng lưới y tế phường, xã, thị trấn là tuyến đầu tiên của bậc thang điều trị, giữ nhiệm vụ “gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, có nhiệm vụ quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ gia đình, từng người dân. Việc đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở là giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhanh nhất, tạo niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế.