Đầu tư nhiều hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Sau khi đăng loạt bài “Chung tay chăm lo người cao tuổi” phản ánh thực trạng về những khó khăn, bất cập trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, Báo SGGP đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Bộ Y tế, một số bệnh viện, trường y. Để làm rõ hơn một số định hướng và chính sách của ngành y tế về việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi và ứng phó với già hóa dân số, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Người cao tuổi được bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức (TPHCM) khám, tư vấn các bệnh lý mãn tính tại phòng khám đa khoa vệ tinh Thảo Điền. Ảnh: QUANG HUY
Người cao tuổi được bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức (TPHCM) khám, tư vấn các bệnh lý mãn tính tại phòng khám đa khoa vệ tinh Thảo Điền. Ảnh: QUANG HUY

PHÓNG VIÊN: Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) thời gian qua?

* Thứ trưởng TRẦN VĂN THUẤN: Ngay sau khi Luật Người cao tuổi có hiệu lực, Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Y tế sau đó ban hành Quyết định số 403/QĐ-BYT ngày 20-1-2021 về Kế hoạch hành động của bộ thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030. Bộ Y tế và Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe NCT, đạt được nhiều kết quả: khoảng 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ, trên 95% NCT có thẻ BHYT. Cùng với đó, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT cả nước đã bước đầu hình thành, phát triển. Hiện nay, cả nước có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa Lão, hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng dành cho NCT, trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên NCT vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng; có 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa trên toàn quốc là Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược TPHCM.

Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng NCT vẫn thiếu những chăm sóc kịp thời; việc tiếp cận các dịch vụ, kỹ thuật y tế còn hạn chế, các chính sách không theo kịp thực tế khi dân số nước ta chuyển sang già hóa nhanh. Ông nhận định gì về thực trạng này?

* Thực tế đúng như vậy! Theo các số liệu tổng hợp, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Điều này khiến NCT đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”; bình quân mỗi NCT có 3 bệnh mãn tính. Trong khi đó, hệ thống y tế - lão khoa vẫn còn thiếu về nguồn lực, trang thiết bị và nhân lực nên chưa đáp ứng nhu cầu giải quyết các bệnh mãn tính, bệnh đặc trưng của NCT.

Đồng thời, vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là với NCT. Ngoài ra, công tác lập kế hoạch, hoạch định chính sách về NCT chưa theo kịp tốc độ già hóa dân số đang rất nhanh…

Vậy chúng ta nên có những giải pháp, chính sách đột phá nào nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, xã hội và ngành y tế để công tác chăm sóc sức khỏe NCT đáp ứng trong tình hình mới, thưa Thứ trưởng.

* Chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe NCT; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Tăng cường củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho NCT và từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT.

Trong đó, Bệnh viện Lão khoa Trung ương sẽ thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình, biểu mẫu về công tác điều dưỡng cho bệnh nhân là NCT; định kỳ tổ chức các buổi giao ban, tập huấn thảo luận lâm sàng về bệnh tật, liên tục cập nhật kiến thức cho các bác sĩ, nhân viên y tế trong công tác điều trị cho người bệnh cao tuổi; hỗ trợ các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố phát triển chuyên ngành Lão khoa...

Tại địa phương, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe NCT tại khoa Lão của các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ mỗi năm cho NCT; chẩn đoán, điều trị, theo dõi các bệnh mạn tính thường gặp ở NCT theo hướng dẫn chuyên môn của bệnh viện đầu ngành. Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào CLB “liên thế hệ” tự giúp nhau và các loại hình CLB khác của NCT. Phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho NCT.

Xa hơn, chúng ta cần hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT và đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe NCT, từng bước tăng mức đầu tư hàng năm... Có như vậy, công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho NCT mới đạt hiệu quả, NCT sẽ có những năm tháng sống vui, sống khỏe tăng lên.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Tăng cường nguồn lực nhân viên ngành công tác xã hội

Để công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho NCT trên địa bàn TPHCM ngày càng tốt hơn, ngoài đội ngũ thầy thuốc, đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, bệnh viện, một lực lượng khác được thành phố đặc biệt quan tâm hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng là nhân viên công tác xã hội (CTXH). Lực lượng này là “cánh tay nối dài” của cơ sở y tế, quận, huyện trong chăm lo cho NCT, nhưng hiện đang thiếu và yếu.

Sở LĐTB-XH TPHCM đã ký kết hợp tác với 7 trường đại học và học viện có đào tạo ngành CTXH trên địa bàn thành phố để thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể, phối hợp thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng CTXH đối với cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu, phát triển, chia sẻ các mô hình, cách làm hay và nghiên cứu các đề tài khoa học cấp thành phố, quốc gia để áp dụng vào thực tiễn hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội có NCT, cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm… phù hợp với đặc điểm của TPHCM.

PGS-TS-BS LÊ ĐÌNH THANH, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM): Xây dựng thành bệnh viện Lão khoa hạng đặc biệt

Bệnh viện Thống Nhất có thuận lợi khi trước đây vào năm 1986 đã thành lập Bộ môn Lão khoa và Tích tuổi học đầu tiên tại Việt Nam. Hiện bệnh viện có số lượng bệnh nhân NCT nhiều nhất cả nước, trung bình trên 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú và khoảng 4.500 lượt khám ngoại trú/ngày. Bệnh viện đã lập đề án trình Bộ Y tế và TPHCM, phấn đấu trở thành bệnh viện Lão khoa toàn diện hạng đặc biệt để đảm nhiệm vai trò chăm lo sức khỏe cho NCT, đồng thời đào tạo, chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực Lão khoa.

Trước mắt, bệnh viện phát triển hầu hết các khoa chuyên về Lão khoa, như: chuyên khoa Cơ xương khớp cho NCT với sự kết hợp giữa Chấn thương chỉnh hình, Phục hồi chức năng, Nội cơ xương khớp, Ngoại thần kinh và Y học cổ truyền; chuyên khoa Tim mạch NCT được phối hợp giữa Ngoại tim mạch lồng ngực, Nội tim mạch, Tim mạch Cấp cứu can thiệp và Nhịp tim… Đặc biệt là triển khai kỹ thuật ghép thận, tiến tới nghiên cứu ghép thận và một số tạng trên NCT.

Thời gian tới, bệnh viện cũng sẽ triển khai khoa chăm sóc răng miệng cho NCT, vì thực tế hoạt động ăn nhai có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe NCT. Bên cạnh đó, từ ngày 10-4, bệnh viện chính thức đưa Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học sức khỏe và lão hóa vào hoạt động. Nhiệm vụ quan trọng nhất của viện là nghiên cứu nguyên nhân lão hóa, cách làm chậm quá trình lão hóa. Viện sẽ dùng nguồn dữ liệu bệnh nhân lão khoa của bệnh viện để khái quát mô hình bệnh tật NCT Việt Nam. Từ đó có các chiến lược điều trị dự phòng cho NCT, hỗ trợ họ vượt qua được suy yếu và bệnh tật một cách nhẹ nhàng hơn.

TS PHAN TRUNG NAM, Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Y Dược Huế - Đại học Huế: Có cơ chế đặc thù tuyển sinh ngành Lão khoa

Thực tế, chuyên ngành Lão khoa ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa mạnh so với 2 đầu đất nước. Ngay tại Bệnh viện Trung ương Huế, Lão khoa cũng nằm trong khoa Nội tổng hợp - Lão khoa. Còn tại các bệnh viện khác, đội ngũ y, bác sĩ về Lão khoa nằm rải rác ở các khoa, phòng chứ chưa có bệnh viện hoặc khoa Lão riêng biệt. Trong khi người thầy thuốc về Lão khoa phải có kiến thức rất rộng và sâu mới đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho NCT.

Để giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực này, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần nâng cao năng lực hệ thống y tế từ cơ sở tới tuyến bệnh viện đa khoa; có giải pháp để hỗ trợ các bệnh viện thành lập khoa Lão và có cơ chế đặc thù hỗ trợ, khuyến khích học sinh, đội ngũ thầy thuốc theo học chuyên ngành Lão khoa… Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu chăm sóc NCT trong tình hình mới.

QUANG HUY - KIM HUYỀN - VĂN THẮNG ghi

Tin cùng chuyên mục