TPHCM đã và đang đứng trước đòi hỏi phải có công trình văn hóa nghệ thuật xứng tầm để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút khách du lịch, tạo thương hiệu về sản phẩm nghệ thuật đặc trưng của thành phố. Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM phần nào đáp ứng yêu cầu đó. Làm thế nào để vận hành nhà hát hiệu quả, cũng như TPHCM cần chuẩn bị gì về nguồn nhân lực là những vấn đề được đặt ra. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết chiến lược dài hạn của Sở VH-TT TPHCM khi Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM hoàn thành, đi vào hoạt động?
Ông HUỲNH THANH NHÂN: Việc triển khai xây dựng Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng các chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao của thành phố. Hiện tại, nhà hát với bộ máy tổ chức gồm ban giám đốc, các đoàn chuyên môn (giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch), các phòng chức năng (hành chính tổng hợp, tổ chức biểu diễn) và lực lượng nghệ sĩ gồm: chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, tổng đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật… Cơ cấu tổ chức như trên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một nhà hát chuyên nghiệp trên lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đối với việc tiếp nhận và vận hành nhà hát tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai, thì bộ máy tổ chức của nhà hát hiện tại đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao đã được Sở VH-TT TPHCM chuẩn bị ra sao?
Sở VH-TT TPHCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của TPHCM. Trong đó, có nhiều chuyên ngành đào tạo trong và ngoài nước nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng thiết chế văn hóa tầm quốc tế, đó là: đạo diễn sân khấu, quản lý nhà hát, họa sĩ thiết kế sân khấu hiện đại, chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng…
Sở cũng tiếp tục đầu tư để phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nói chung trong hoạt động sáng tác, dàn dựng; bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ nghệ sĩ tại các nhà hát hiện nay và trong tương lai, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lâu dài. Công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố nhiều năm qua luôn được các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm. Ngoài ra, thành phố duy trì việc mời nghệ sĩ nước ngoài về tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn tại chỗ cho lực lượng diễn viên nhà hát từ năm 2012 đến nay, cùng với việc đưa nghệ sĩ đi đào tạo tại nước ngoài.
Không chỉ phục vụ người dân, nhà hát của tương lai còn đóng vai trò rất lớn trong hội nhập quốc tế: vừa quảng bá hình ảnh TPHCM, Việt Nam; vừa là trung tâm giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế. Ông đánh giá thế nào về những giá trị kinh tế có thể mang lại của công trình?
Nhà hát trong tương lai với nhiệm vụ chính là xây dựng những chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự kiện ngoại giao quan trọng của thành phố; dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật cổ điển, các chương trình âm nhạc với những tác phẩm đi cùng năm tháng, những vở nhạc kịch, kịch múa với nhiều phong cách mới mẻ. Ngoài ra, tại nhà hát mới này sẽ là nơi phối hợp, kết nối với các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập để tổ chức biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác với sự kết hợp mang nhiều màu sắc đa dạng, phong phú. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác với nhiều tổ chức nghệ thuật, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới để đưa một số chương trình nghệ thuật chất lượng cao về thành phố biểu diễn. Với định hướng nghệ thuật của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng thưởng thức nghệ thuật của người dân thành phố và các vùng lân cận, phục vụ khách du lịch. Công tác quản lý và vận hành nhà hát một cách đúng quy định, chuyên nghiệp, khoa học, chặt chẽ, khai thác tốt công năng là nhiệm vụ hàng đầu được lãnh đạo Sở VH-TT giao cho ban giám đốc nhà hát.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, không gian công viên diện tích hơn 1ha ngay bên ngoài nhà hát có thể kết hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hướng đến cộng đồng, ông nghĩ sao về điều này?
Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM sau khi hoàn thành, ngoài các sân khấu biểu diễn chính, sẽ được khai thác và sử dụng theo hướng mở với việc tạo ra không gian biểu diễn hướng đến cộng đồng. Việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở bên ngoài khuôn viên nhà hát sẽ góp phần tạo ra những không gian nghệ thuật phục vụ đông đảo người dân thành phố. Các chương trình cộng đồng hay liên kết với các nhóm nghệ thuật cũng là một trong những nền tảng hoạt động của nhà hát. Địa điểm biểu diễn ngoài nhà hát nằm bên bờ sông Sài Gòn, gần quảng trường trung tâm sẽ là nơi lý tưởng để người dân đến thưởng lãm.
Để tránh lặp lại “vết xe đổ” Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang và để có một nhà hát xứng tầm khu vực, hiện đại, đúng chuẩn, vai trò của Sở VH-TT TPHCM trong việc kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng là gì, thưa ông?
Sở VH-TT TPHCM tiếp tục lắng nghe ý kiến người dân, văn nghệ sĩ, các chuyên gia để công trình nhà hát ra đời sẽ đạt mục đích, yêu cầu, phục vụ đạt hiệu quả cao. Để thực hiện quy trình xây dựng dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, Sở VH-TT sẽ tham mưu UBND TPHCM thành lập Hội đồng thi tuyển quốc tế, chọn đơn vị tư vấn thiết kế. Công tác triển khai xây dựng công trình sẽ được thực hiện theo đúng quy định, được tổ chức kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch.