23/45 công trình y tế mới
Đều đặn hàng tháng, ông Lê Văn Tín (62 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) phải vượt quãng đường hơn 60km để đến Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM tái khám định kỳ. Ông Tín cho biết, tuổi già, sức yếu lại đi đường xa khiến ông càng mệt mỏi. Hay tin Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động, ông vui mừng cho biết, bệnh viện mới xây to đẹp, nhân viên nhiệt tình và từ nay, hành trình khám chữa bệnh của ông bớt gian nan hơn.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, bày tỏ: “Cơ sở 2 của BV đi vào hoạt động là niềm vui không chỉ của bệnh nhân mà còn là của tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế BV. Để chuẩn bị đưa vào hoạt động cơ sở mới, bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người để phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân”.
Trong số 45 công trình y tế xây dựng mới, có 23 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 16 công trình đang thi công và 6 công trình chuẩn bị khởi công; tổng vốn đầu tư 27.695 tỷ đồng. Trong 23 dự án đã hoàn thành có 14 dự án trực thuộc Sở Y tế TPHCM, kinh phí đầu tư 5.942 tỷ đồng, gồm: xây dựng mới BV Nhi đồng Thành phố (quy mô 1.000 giường); xây dựng, sửa chữa một số hạng mục BV Nhân Ái (300 giường); xây dựng Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu và Điều trị ban ngày của BV Nhi đồng 2 (7.271m2); xây dựng phòng khám, điều trị nội tim mạch BV Nhân dân 115 (50 giường); khu khám, chẩn đoán điều trị kỹ thuật cao BV Ung bướu tại số 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh; mở rộng BV Tai Mũi Họng; nâng cấp Khu kỹ thuật Viện Tim; cải tạo Khoa Khám bệnh và khu hành chính Viện Tim; nâng cấp Ngân hàng máu đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu tại BV Truyền máu Huyết học; xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM; xây dựng mới BV Hùng Vương (giai đoạn 2); cải tạo nâng cấp khối nhà N5 (Khoa Dược) BV Y học cổ truyền; sửa chữa, cải tạo BV Đa khoa Sài Gòn; đầu tư và lắp đặt hệ thống khí sạch, hệ thống khí y tế cho Khoa Hồi sức chống độc và Gây mê hồi sức BV Nguyễn Tri Phương.
Ngoài ra, có 9 dự án trực thuộc khối quận huyện (vốn đầu tư 2.479 tỷ đồng): xây dựng mới cơ sở 2 BV quận 1; mở rộng BV quận 2; mở rộng, cải tạo BV quận 4; xây mới, nâng cấp BV quận 7; mở rộng BV huyện Củ Chi (quy mô 300 giường); xây dựng mới BV quận Gò Vấp (quy mô 300 giường); xây dựng mới BV huyện Bình Chánh (giai đoạn 1 là 300 giường); xây dựng mới BV Đa khoa huyện Cần Giờ; mở rộng nâng cấp BV quận 12 (giai đoạn 1).
Đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các cơ sở y tế mới, ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nhân lực về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện nay, 35 đơn vị y tế được cấp mã ngành đào tạo liên tục đã đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hơn 3.000 nhân viên y tế mỗi năm. Trình độ, năng lực đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng lên, số bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 14,5 năm 2014 lên 19 năm 2019; 100% cán bộ, công chức, viên chức y tế được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn từng loại chức danh theo quy định.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cung ứng nguồn nhân lực chính cho ngành y tế thành phố năm 2020 đạt 20 bác sĩ/vạn dân. Bên cạnh phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa, trường đã hợp tác đào tạo với các trường đại học y khoa ở nước ngoài (CHLB Đức, Phần Lan), trong năm nay, sẽ có 27 bác sĩ tốt nghiệp đạt chuẩn bác sĩ y khoa của châu Âu. “Hiện, ngành y tế triển khai đề án Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2020 và tiếp tục triển khai chính sách thu hút, hỗ trợ cho cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng. Phân công các bệnh viện tuyến thành phố cử đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đến các BV khó khăn về nhân lực khi đưa cơ sở mới vào hoạt động”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.
Thời gian qua, nhiều BV đã triển khai các kỹ thuật chuyên sâu như: phẫu thuật bằng robot (BV Bình Dân, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe (sử dụng trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncolog trong điều trị ung thư); ghép tạng người lớn và trẻ em; tách cặp song sinh dính; ghép tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về máu; cấy điện cực não sâu điều trị Parkinson; phẫu thuật can thiệp điều trị tim bẩm sinh ở trẻ em; thụ tinh ống nghiệm… Đó là bước tiến mới để TPHCM hình thành nhiều chuyên khoa sâu về ghép tạng, điều trị các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, chấn thương chỉnh hình và cột sống, ung bướu, bệnh lý nhi khoa, sản phụ khoa, huyết học... trong tương lai.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, 16 dự án đang thi công (tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng) là: cơ sở 2 BV Ung bướu TPHCM; xây dựng thay thế Khu B-C của BV Từ Dũ; xây dựng mới BV Truyền máu Huyết học; xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất BV Nhân Ái; xây dựng mới khu khám và điều trị ban ngày Viện Y dược học dân tộc; xây dựng mới Trung tâm Xét nghiệm y khoa; xây dựng mới khối ngoại BV Nguyễn Trãi; cải tạo, nâng cấp khối nhà N6 của BV Y học cổ truyền; xây mới Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch BV Nhi Đồng 1; xây mới Khoa khám bệnh - Khối điều trị ngoại khoa BV Nhi đồng 1; xây mới Trung tâm chuyên sâu sơ sinh BV Nhi đồng 1; Khu chẩn đoán kỹ thuật cao của BV Nhân dân 115; mở rộng và nâng cấp BV quận 3; cải tạo, mở rộng BV quận 8; xây dựng mới Trung tâm Pháp y; Xây dựng thay thế Khối điều trị nội trú BV Nhân dân Gia Định. 6 dự án chuẩn bị khởi công trong quý 4-2020 (tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng), gồm: BV Đa khoa khu vực Củ Chi (1.000 giường); BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (1.000 giường); Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; BV Trưng Vương (khối nhà A); BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và BV Răng hàm mặt TPHCM. |