Tiêu chí ban đầu của liên minh là “khử carbon trong các ngành chứa nhiều carbon”, bao gồm nhôm, hàng không, hóa chất, bê tông, vận tải biển, thép và vận tải đường bộ - vốn chiếm hơn 1/3 lượng khí thải carbon toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp thay thế bằng năng lượng sạch thì tỷ lệ trên dự kiến sẽ tăng lên trên 50% vào giữa thế kỷ này.
Để ngăn ngừa thảm họa này, các nước thành viên của liên minh đã cam kết đổi mới công nghệ, sử dụng các giải pháp gần như bằng 0 hoặc có thể làm giảm mức carbon dioxide trong khí quyển, như thu nhận không khí trực tiếp, mặc dù chi phí cao. Các cam kết này cũng nhằm mục đích quan trọng là để thương mại hóa công nghệ khử carbon. Do vậy, liên minh đang thúc đẩy đầu tư vào những giải pháp công nghệ hoàn toàn mới để có thể cung cấp cho thị trường, với hy vọng sẽ tạo ra tác động lâu dài từ các cột mốc quan trọng trong thập niên này.
Chính sách của các chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, thu giữ và lưu trữ carbon. Để đáp ứng nhu cầu của thời điểm hiện tại - là tăng cường đổi mới công nghệ để có các công nghệ khí hậu hiệu quả về chi phí trên quy mô lớn hơn, các chính phủ đã mời các công ty từ quốc gia của họ tham gia liên minh và theo đuổi các chính sách công để thương mại hóa công nghệ xanh mà các thành viên công ty cam kết mua.
Thông qua khởi động các thị trường công nghệ bằng các khoản đầu tư lớn, số thành viên của nhóm các “ông lớn” đã tăng vọt từ 35 công ty ban đầu lên 55 công ty như hiện nay. Các thành viên sáng lập của liên minh bao gồm Agility, Airbus, Amazon, Apple, Bain & Company, Bank of America, Boston Consulting Group, Boeing, Dalmia Cement (Bharat) Limited, Delta Air Lines, Mahindra Group, Nokia, ReNew Power, Salesforce, United Airlines, Volvo Group và Yara International. Trong số các tập đoàn lớn vừa gia nhập có FedEx và Ford.
Alphabet, Microsoft và Salesforce đã cam kết chi 500 triệu USD cho việc loại bỏ carbon dioxide. Microsoft sẽ tiếp tục đóng vai trò là một đối tác chuyên gia, bằng cách chia sẻ các bài học từ các cuộc đấu giá loại bỏ carbon của mình. Tập đoàn tư vấn Boston cam kết loại bỏ 100.000 tấn carbon… Giám đốc tài chính Google cho biết, công ty này đã cam kết đầu tư 200 triệu USD cho các kế hoạch loại bỏ carbon dioxide, trở thành nguồn đóng góp chính cho quỹ lên đến 900 triệu USD hiện nay.
Theo nhận định của Báo Business Standar, nếu có đủ các công ty toàn cầu cam kết một tỷ lệ nhất định mua công nghệ sạch của họ trong thập niên này, thì điều đó sẽ tạo ra một điểm bùng phát thị trường giúp tăng khả năng chi trả của họ và thúc đẩy sự chuyển đổi dài hạn. Trong khi đó, nhà sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates, cho rằng, hiện nay các sản phẩm “xanh” có giá thành rất cao, do đó để các sản phẩm này trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn thì cần mở rộng sản xuất, ví dụ như pin năng lượng Mặt trời, điện gió và pin lithium-ion.
Với sự mở rộng ngày nay, liên minh đã đạt được quy mô tham gia của các công ty hàng đầu thế giới và sự hỗ trợ từ nhiều chính phủ để giải quyết thách thức khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, đó là giảm lượng khí thải từ các lĩnh vực mà thế giới hiện chưa có bộ công cụ để thay thế.