Đầu tư mạnh nâng chất lượng nhân lực nghề

Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cung cấp cho thị trường lao động khoảng 200.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, qua đánh giá của các doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực này hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thinh (ảnh), Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM xung quanh vấn đề này.

A7a.jpg

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động đã qua đào tạo tại TPHCM hiện nay?

Ông LÊ VĂN THINH: Hiện trên địa bàn thành phố có 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 77 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và 181 cơ sở GDNN. Quy mô đào tạo các trình độ GDNN hiện nay khoảng hơn 400.000 người học. Số lượng người học và chất lượng đào tạo được cải thiện qua từng năm đã góp phần nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo tính đến tháng 6-2024 đạt 87,63%.

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể kết quả tuyển sinh hàng năm. Việc này dẫn đến đa phần người lao động khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ so với người lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng.

Công tác số hóa, chuyển đổi số chưa được các cơ sở GDNN quan tâm thực hiện đầy đủ. Cùng đó, nhiều cơ sở GDNN có cơ sở vật chất xuống cấp, phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu, diện tích đất nhỏ, không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định…

Để GDNN TPHCM đạt các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 267-KH/TU ngày 21-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-5-2024 của UBND TPHCM, ngành LĐTB-XH TPHCM có những giải pháp nào?

Tháng 5 vừa qua, Sở LĐTB-XH TPHCM đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TPHCM ban hành Quyết định 1649/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược lao động - việc làm trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đề ra các giải pháp để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025.

Sở cũng đang hoàn thiện Đề án Quản lý mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đến năm 2030 trên cơ sở góp ý của các sở, ban ngành, quận huyện và các cơ sở GDNN. Theo đó, thành phố sẽ tiến hành việc sáp nhập, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập trực thuộc thành phố, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo GDNN.

Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học cho 3 cơ sở GDNN công lập với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030, thành phố tiếp tục dành 2.900 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực đào tạo cho 15 cơ sở GDNN. Song song đó, ngành tiếp tục nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội để kịp thời tham mưu cho thành phố các chính sách an sinh xã hội cơ bản, hỗ trợ người lao động yếu thế, học sinh theo học nghề; đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động…

truong-nghe_UHYD.jpg

TPHCM hướng đến năm 2030 sẽ có 10 trường nghề chất lượng cao, có các nghề tiếp cận trình độ ASEAN-4. Kế hoạch triển khai cũng như mức độ đầu tư ra sao?

Giai đoạn 2021-2025, có 3 đơn vị (Trường Cao đẳng nghề TPHCM, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và Trường Trung cấp nghề Củ Chi) đã được UBND TPHCM giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực GDNN.

Trong đó, dự án phát triển trường nghề chất lượng cao của Trường Cao đẳng nghề TPHCM với tổng mức đầu tư gần 234 tỷ đồng; dự án mua sắm trang thiết bị của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ hơn 117 tỷ đồng và dự án mua sắm trang thiết bị dạy nghề của Trường Trung cấp nghề Củ Chi trên 82 tỷ đồng.

Đối với giai đoạn 2026-2030, UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học cho ít nhất 15 cơ sở GDNN công lập thuộc thành phố từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, trong đó có: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (khoảng 171 tỷ đồng); Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức (103 tỷ đồng); Trường Trung cấp nghề Quang Trung (78 tỷ đồng); Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP (khoảng 200 tỷ đồng)…

Các cơ sở GDNN công lập của thành phố cũng sẽ duy trì sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị chủ trì các đề án thành phần thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành: CNTT - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị và đại học chia sẻ của TPHCM để cung ứng nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN và đại học đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục