Đa dạng loại hình chăm sóc y tế
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế thành phố. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhìn nhận, những điểm yếu này xuất phát từ thực tế đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra nên chưa ứng xử kịp thời. Bên cạnh đó, dân số thành phố đông khiến dịch lây nhanh trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và đồng bộ.
Ngành đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm đắt giá để thành phố chống dịch tốt hơn trong giai đoạn tới. Một trong những giải pháp trọng tâm là củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực cho trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Huy động y tế tư nhân vào cuộc
Quận 7 vừa ra mắt 12 trạm y tế lưu động tại các cơ sở y tế tư nhân. Theo bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận, trước ngày 1-10, quận có 34 trạm y tế lưu động đặt tại các trường mầm non, văn phòng khu phố, nhà dân, đảm bảo mỗi phường có từ 2-4 trạm y tế, mỗi trạm phụ trách 1-2 khu phố. Sau khi lực lượng chi viện rút đi, quận vận động và tận dụng nguồn lực của các cơ sở y tế tư nhân để thiết lập hệ thống trạm y tế tại các cơ sở y tế này, nhằm hỗ trợ các phường và trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Dự kiến đến tháng 12 năm nay, quận 7 sẽ thành lập 19 trạm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân.
Quận 7 cũng chú trọng thành lập hệ thống y tế dựa vào cộng đồng. Trong đó, thiết lập trạm y tế lưu động hoặc tổ an toàn Covid tại các doanh nghiệp; tổ y tế tự quản tại các hộ kinh doanh... Đối với các khu dân cư, quận khẩn trương rà soát và đánh giá kiện toàn tổ y tế tự quản thành tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, đảm bảo mỗi tổ dân phố có ít nhất 1 tổ; mỗi phường có 1 đội phản ứng nhanh và kết nối hệ thống nhà thuốc thành mạng lưới tủ thuốc 0 đồng dùng cho F0.
Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, quận xác định lực lượng y, bác sĩ chi viện chỉ trong một khoảng thời gian, còn lực lượng chống dịch tại chỗ mới là chính. Trước mắt, quận tăng cường lực lượng cho trạm y tế vừa thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh bình thường, vừa tiếp tục nhiệm vụ của trạm y tế lưu động sau khi lực lượng quân y rút đi. Để duy trì mô hình này, ngoài củng cố nhân lực của trạm y tế, quận huy động sự tham gia của y tế tư nhân.
Quận đã giao phòng y tế rà soát những phòng khám, bệnh viện tư nhân trên địa bàn theo hướng huy động lực lượng này tham gia cùng trạm y tế để quản lý, theo dõi F0 ở một khu vực, ở một địa bàn để thăm khám online và hỗ trợ trực tiếp. Bên cạnh đó, quận sẽ đầu tư trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Quận 10 cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp tục duy trì trạm y tế lưu động; các tổ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở cộng đồng; khu cách ly ở chung cư Thành Thái. Ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, khẳng định: Hiện nay, quận duy trì 7 trạm y tế lưu động, nhưng sẵn sàng nhân lực tương ứng 14 trạm y tế lưu động, tùy theo tình hình diễn biến dịch Covid-19 sẽ kích hoạt các trạm y tế lưu động. Quận vận động nhân lực từ trung tâm y tế, phòng khám đa khoa ở quận, lực lượng tình nguyện viên ở các địa bàn dân cư để tham gia các trạm y tế lưu động khi cần.
Đề nghị tăng biên chế, đãi ngộ -------------- Sớm thiết lập hệ thống giám sát thống nhất GS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng, TPHCM sớm triển khai thiết lập hệ thống giám sát xuyên suốt, thống nhất để có thể bảo đảm dữ liệu bệnh nhân mắc Covid-19, tử vong, độ nặng, tỷ lệ xét nghiệm các loại luôn sẵn có, đầy đủ, thống nhất, giúp phát hiện kịp thời xu hướng dịch bệnh, đồng thời đánh giá được tình hình dịch. Các hệ thống giám sát chủ yếu cần thiết lập gồm: giám sát ca bệnh tại cơ sở y tế; giám sát trọng điểm tại cơ sở y tế và cộng đồng; giám sát cộng đồng định kỳ tại các vùng nguy cơ tiếp xúc cao. -------------- Bình Dương: Phát huy hiệu quả trạm y tế lưu động Với chủ trương phủ kín trạm y tế lưu động đến từng phường, xã, khu công nghiệp, chỉ sau gần 2 tháng, tỉnh Bình Dương đã thành lập 153 cơ sở với 128 y, bác sĩ (chưa kể các tình nguyện viên), riêng ở các “điểm đỏ” được bố trí 2-3 trạm y tế để vừa tư vấn điều trị Covid-19, vừa khám chữa bệnh thông thường. Khi nhận được thông tin về các ca mắc Covid-19 chuyển biến nặng, ê kíp y, bác sĩ với bình oxy và các loại thuốc cần thiết đã chuẩn bị sẵn nhanh chóng đến tận nhà hỗ trợ, tư vấn, can thiệp từ sớm để hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. F0 có sự đồng hành của y, bác sĩ từ khi phát hiện mắc Covid-19 cũng vững vàng tâm lý và yên tâm điều trị tại nhà. |