“Cởi trói” cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, việc thay đổi một số điều khoản trong luật hứa hẹn tạo thuận lợi và mang đến cho DN nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, để áp dụng các điều luật hiệu quả và an toàn, DN cần nắm kỹ các điều khoản, hệ quả pháp lý và rủi ro có thể phát sinh.
Luật Đầu tư 2020 đã làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất như đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.
Áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định, chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và nhà ở. Ngoài ra, luật quy định danh mục ngành, nghề có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn “bỏ” (cái nào không cấm thì được làm), nâng cao tính minh bạch trong áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Luật cũng bãi bỏ một thủ tục hành chính (như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với một số dự án đầu tư của cá nhân, hộ gia đình; bãi bỏ quy định Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng); phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; cải cách, đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án...
Vẫn hồi hộp chờ hướng dẫn
Tại hội thảo “Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020” tổ chức mới đây, nhiều thắc mắc được các DN đặt ra, liên quan đến sự chồng chéo giữa các bộ luật dẫn đến thủ tục hành chính nhiêu khê. Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng địa ốc Xanh, bức xúc: Luật Đầu tư có quy định về 2 thủ tục là “chủ trương đầu tư” thì thuộc thẩm quyền của Sở KH-ĐT, trong khi thủ tục “chấp thuận đầu tư” và “công nhận đầu tư” thì thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng.
DN đã nộp hồ sơ 5 - 6 tháng tại Sở KH-ĐT, theo quy định sở chỉ lấy ý kiến 15 ngày làm việc nhưng nay đã trễ nhiều tháng mà các sở không trả lời thì xử lý thế nào? Các đại biểu khác đặt vấn đề tại sao vừa chấp thuận và công nhận đầu tư, mà không gộp chung làm một. Nếu không thì các bộ cần có diễn đàn để trả lời kịp thời các vấn đề mà DN đặt ra.
Đại diện Công ty CP Dệt may Gia Định thắc mắc, có 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu với điều kiện nhà đầu tư có quyền sử dụng đất. Quy định này là điểm mở. Thế nhưng, thực tế đang tắc nghẽn vì quy định “đất thuê nhà nước thì phải thông qua đấu giá”.
Khi luật mới có hiệu lực thì nghị định hướng dẫn phải giải thích như thế nào khi nhà đầu tư có quyền “sở hữu” - xác định rõ quyền sở hữu là khi có quyết định giao đất, thuê đất hay có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn về đất, để được chuyển mục đích sử dụng đất lại hoàn toàn phụ thuộc vào quy hoạch mà luật không rõ ràng thì mỗi địa phương hiểu một kiểu khác nhau, DN sẽ rất cực!
Về Luật DN, có nhiều sửa đổi bổ sung, tuy nhiên, nhiều tồn tại trong thực tế vẫn chưa được Luật DN 2020 giải quyết. Cụ thể, Điều 30 Luật DN 2020 về đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN vẫn còn giữ quy định “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ”, trong khi điều này đã gây tranh chấp khi một số người làm giả hồ sơ, chữ ký để “cướp” DN.
Rất nhiều hồ sơ khiếu nại ra tòa vì một số người trong công ty tự lập biên bản thay đổi tên người đại diện pháp luật của DN, Sở KH-ĐT tiếp nhận mà không kiểm tra đối chiếu hồ sơ đã lưu nên cấp đổi theo yêu cầu. Khi DN phát hiện thì phải kiện nhau ra tòa, còn Sở KH-ĐT “vô can” bởi quy định sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra tính “hợp lệ” (đầy đủ giấy tờ theo danh mục) mà không chịu trách nhiệm về tính “hợp pháp” (giấy tờ giả, không đúng đối tượng).
16 điểm mới của Luật DN 20201. Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu DN trước khi sử dụng 2. Thêm đối tượng không được thành lập DN: - Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; - Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN); - Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự. 3. Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021 chỉ còn 3 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh (hiện nay là 15 ngày). 4. Bổ sung hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là phải có bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật, thành viên, cổ đông sáng lập. 5. Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết: Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. 6. Quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN. 7. Thay đổi khái niệm DN nhà nước bao gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. 8. DN nhà nước phải thành lập Ban Kiểm soát. DN tư nhân không cần thành lập Ban Kiểm soát. 9. Sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt đối với thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện. 10. Sửa quy định về quyền của cổ đông phổ thông: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông (hiện nay là 10%). 11. DN tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh. 12. Bỏ quy định “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý DN”. 13. Bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông: bảo mật các thông tin được công ty, nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác. 14. Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần: thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba. 15. Thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. 16. Bổ sung quy định thực hiện quyền của chủ DN tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt. (Luật DN 2020 có hiệu lực từ 1-1-2021 và thay thế Luật DN 2014) 7 điểm mới của Luật Đầu tư 20201. “Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê (chuyển vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh). 2. Bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm: hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; nhượng quyền thương mại; dịch vụ logistics; dịch vụ đại lý tàu biển; dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ xét nghiệm HIV; dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; dịch vụ tiêm chủng; dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ... 3. Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư: giáo dục đại học; sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ… 4. Bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: kinh doanh dịch vụ cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AISD, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em; nước sạch (nước sinh hoạt); dịch vụ kiến trúc; đăng kiểm tàu cá; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá... 5. Bổ sung quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. 6. Trường hợp không phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. 7. Sửa đổi, bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư cho các dự án có vốn lớn, sử dụng lao động đông, hàm lượng chất xám cao… |