Trong chiều 9-6, chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn về vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển ĐBSCL.
Phó Thủ tướng khẳng định, biến đổi khí hậu tác động lớn đến phát triển ĐBSCL, đó là nguy cơ, thách thức rất lớn. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, đã phê duyệt quy hoạch ĐBSCL, Bộ Chính trị cũng có Nghị quyết về phát triển ĐBSCL... Tất cả các nghị quyết, văn bản đều đề cập đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Để đầu tư nguồn lực, giai đoạn 2011-2020, ngân sách trung ương đầu tư cho ĐBSCL không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Năm 2011-2020, Chính phủ đã huy động được hơn 6,9 tỷ USD nguồn vốn ODA để bảo vệ môi trường, riêng hỗ trợ ĐBSCL là 1,5 tỷ USD cho ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL. Đồng thời, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, hoàn thiện quy hoạch, huy động nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu vùng này. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch ĐBSCL, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong 5 năm tới Chính phủ sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông vận tải ở vùng này.
Tại hội nghị về vùng ĐBSCL trước đây, Thủ tướng yêu cầu huy động 2 tỷ USD phát triển để phát triển vùng ĐBSCL. Chính phủ tiếp tục có quy hoạch liên kết vùng, phát huy tiềm năng lợi thế vùng, thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Đáng chú ý, ĐB Cầm Hà Chung (Phú Thọ) tranh luận về vấn đề hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. ĐB cho rằng, hiện có ý kiến cho rằng đâu đó còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành, chạy theo thành tích trong việc hoàn thiện thể thế, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá vấn đề này thế nào và có giải pháp gì khắc phục thời gian tới?
Về điều này, Phó Thủ tướng cho rằng "không có vấn đề đó", nếu có ý kiến cần chỉ ra cụ thế, lợi ích nhóm nào, chỗ nào. Đã có quy định rất chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản pháp luật, đã được luật hóa. Các quy định liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo phải tổng kết, đánh giá tác động thì mới xây dựng. Khi xây dựng dự thảo, các cơ quan phải lấy ý kiến đánh giá tác động về chính sách, trong đó có ý kiến người dân, nhóm dân số bị tác động; tổ chức rộng rãi các hội thảo, hội nghị để tiếp thu, ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định cuối cùng để đưa ra Chính phủ. Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, xem xét từng dự thảo trước khi trình ra Quốc hội.
"Đó là quy trình chặt chẽ, nếu tuân thủ nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ rất khó có thể xảy ra. Bởi không thể một mình cơ quan nào xây dựng luật được", Phó Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ đã đề ra quy định và có biện pháp minh bạch, kiểm soát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu nhất là bộ trưởng, thủ trưởng; nâng cao chất lượng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định…
ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) chất vấn về việc chậm giải ngân vốn ODA. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay nguồn vốn ODA huy động được là 21 tỷ USD, riêng năm 2022 dự kiện nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD. Nguồn vốn này rất quan trọng và huy động cũng không dễ dàng. Việt Nam sử dụng hiệu quả nên được các đối tác tạo điều kiện. Nhưng tỷ lệ giải ngân vốn ODA chậm, nhất là trong thời gian qua, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thủ tục quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ có sự khác nhau, chúng ta đã yêu cầu có sự hài hòa nhưng các nhà tài trợ, các ngân hàng thế giới cho Việt Nam vay đều có quy định riêng, trong nhiều trường hợp mất thời gian.
Vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, về chủ quan, Phó Thủ tướng cho rằng có trách nhiệm của công tác chỉ đạo, lãnh đạo; nguồn vốn đối ứng có lúc gặp khó khăn. Tới đây, Chính phủ sẽ khắc phục những tồn tại này,
ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phản ánh thời gian qua, tình trạng san ủi đất lâm nghiệp, đất đồi núi không phù hợp với quy hoạch để phân lô, sang nhượng trái phép diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Ông đề nghị Phó thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này?
Phó Thủ tướng thừa nhận có tình trạng nói trên tại các địa phương. Việc này có nhiều nguyên nhân, như lợi nhuận từ việc chiếm dụng đất đai quá lớn, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên sau khi chuyển đổi mục đích, do yếu kém trong quản lý của các địa phương, việc lập quy hoạch chưa đúng, quy hoạch của các địa phương cũng chưa liên thông.
Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh thành rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phân lô bán nền; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng; hoàn thiện quy định về quản lý đất đai; kiểm tra xử lý các vi phạm. Thủ tướng cũng giao Bộ TN-MT lập đoàn kiểm tra tại các địa phương; yêu cầu UBND các tỉnh thành phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, trong đó có quy hoạch rừng. Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường kiểm tra giám sát tại những nơi việc này xảy ra.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn, chương trình phục hồi kinh tế triển khai chậm là do vướng mắc về thể chế hay vì lý do gì, nếu vì thể chế thì có cần hoàn thiện thêm, phải chăng vì cơ chế đặc thù chưa rõ ràng, hiệu quả?
Phó Thủ tướng cho biết, khi bị chậm thì Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại vấn đề thể chế, xem xét những vướng mắc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, các địa phương báo cáo, trong báo cáo tổng hợp lên, các vấn để chủ yếu gặp phải là do hiểu chưa hết các quy định thủ tục, có tới khoảng 2.000 vướng mắc do chưa hiểu rõ.
Chính phủ đã chỉ đạo những gì có thể tháo gỡ thì tháo gỡ ngay, cái gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng, những gì cần sửa luật thì Chính phủ sẽ rà soát, báo cáo Quốc hội. Sau đó Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành giải thích về các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công