Phát triển nóng nhưng thiếu đầu tư phù hợp cho hạ tầng môi trường đang là thực trạng tại nhiều tỉnh thành Việt Nam. Thực tế này đã và đang gây ra những hệ quả ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, xét góc độ đầu tư của doanh nghiệp ngoại, vấn đề này đã tạo ra tiềm năng, cơ hội đầu tư rất lớn trong lĩnh vực xử lý môi trường tại Việt Nam.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho biết, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, có hơn 6.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam với nhiều lĩnh vực từ công nghiệp chế tạo, chế biến thực phẩm, dịch vụ, xây dựng… Trong đó, số lượng doanh nghiệp tham gia tìm hiểu tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực môi trường cũng đã lên đến hơn 200 doanh nghiệp. Gần đây nhất, tập đoàn Mitsubishi - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu của Nhật Bản đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo TPHCM để tìm kiếm cơ hội đầu tư lĩnh vực xử lý rác thải thành điện năng. Trước đó, Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đầu tư thí điểm nhà máy xử lý chất thải rắn thành năng lượng.
Cùng với sự chủ động tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, hiện Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như áp dụng hỗ trợ ODA, chính sách hợp tác công-tư (PPP) để giúp Việt Nam cải thiện chất lượng môi trường sống. Ngoài ra, với những doanh nghiệp tư nhân thì tùy vào nhu cầu và mức độ đầu tư, lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản sẽ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt khác như trả chậm theo tiến độ hoặc theo thực tế vận hành hoặc trả theo chi phí vận hành…
Không dừng lại đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, hơn 300 doanh nghiệp Pháp, Đức, Hà Lan… đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch từ rác, mặt trời và gió. Cũng theo phân tích tiềm năng đầu tư sản xuất năng lượng sạch tại Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, các đô thị lớn của Việt Nam có lượng rác thải rất tập trung. Thế nhưng, phần lớn lượng rác thải đều đang được xử lý bằng chôn lấp. Điều này vừa lãng phí nguồn tài nguyên rác thải, vừa tăng nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp, nhất là ô nhiễm nguồn nước ngầm mà nguyên nhân từ nước rỉ rác không thể thu gom và xử lý triệt để.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, cho biết, trong quá trình đô thị hoá nhanh, hiện Việt Nam đang có khoảng 813 đô thị. Kéo theo đó là lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn Việt Nam đang có là 12,8 triệu tấn/năm và sẽ tăng thêm trung bình 12%/năm. Cả nước cũng đang có khoảng 35 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xây dựng và đưa vào hoạt động. Phần lớn cơ sở xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp. Hiện có 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1ha và chỉ có 25% bãi chôn lấp đảm bảo tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh. Số ít xử lý rác thải đô thị bằng biện pháp sản xuất phân compost, đốt nhưng công nghệ rất lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phát sinh khí thải dioxin, furan - nguồn khí thải ô nhiễm có khả năng gây ung thư cao ở người.
Cần minh bạch thị trường
Cũng theo Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh diện tích đất dành cho xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp ngày càng hạn chế, biện pháp chôn lấp rác cũng lạc hậu, không phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường hiện nay thì việc sử dụng những biện pháp thay thế là cần thiết. Đồng thuận với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, từ năm 2017, định hướng trong hoạt động xử lý rác thải tại TPHCM đã được chuyển đổi. Theo đó, ưu tiên cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp có khả năng xử lý rác thải thành điện sạch. Từ đầu năm 2018, UBND TPHCM đã ban hành công khai tiêu chí mời gọi đấu thầu hoạt động xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện và thu hút hồ sơ tham gia thầu của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho rằng, để thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoại nói riêng vào lĩnh vực hạ tầng môi trường, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch quản lý chất thải rắn theo vùng, địa phương. Trong đó, có tính đến khả năng thực hiện thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn hoàn thiện các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, môi trường, xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đặc biệt, cần sớm ban hành tiêu chí về trang thiết bị, công nghệ gắn với nhu cầu phát triển của nước ta trong thời gian tới. Về đơn giá thu gom, xử lý chất thải cũng cần phải tính đến yếu tố phù hợp với từng địa phương, tránh tình trạng áp dụng đơn giá chung sẽ khó phù hợp để áp dụng cho những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Một vấn đề khác cũng được nhiều doanh nghiệp đưa ra là phải sớm giải quyết sự chồng chéo trong công tác quản lý môi trường các cấp và giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Công an, tránh nhũng nhiễu, gây khó cho hoạt động doanh nghiệp. Mặt khác, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp có hành vi vi phạm môi trường. Việc xử lý không chỉ dừng lại ở đơn vị có chức năng xử lý mà cả đối với các chủ nguồn thải để từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Quan trọng hơn, chính phủ cần có chính sách, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này tự do cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng xử lý chất thải, tránh tình trạng độc quyền, góp phần giảm chi ngân sách cho lĩnh vực này.