PHÓNG VIÊN: Xin Bộ trưởng cho biết, trong kế hoạch đầu tư năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành giao thông sẽ có những bước đột phá như thế nào, những dự án nào sẽ là điểm nhấn quan trọng?
Bộ trưởng NGUYỄN VĂN THỂ: Bộ GTVT đã công bố 5 quy hoạch ngành làm cơ sở triển khai các dự án trong tương lai. Trong đó, chúng tôi đã đề xuất cơ chế đột phá cho lĩnh vực hàng hải, với các dự án lớn sẽ triển khai xây dựng như: cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Cái Mép Hạ (TPHCM). Hiện quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn đã được Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT đang phối hợp TP Hải Phòng làm quy hoạch chi tiết, dự kiến sẽ khởi công trong vài năm tới.
"Hiện có các đơn vị của Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu, thi công để giám sát đảm bảo chất lượng. Quốc hội cũng đã chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước tham gia từ khâu chuẩn bị dự án, đồng hành trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hơn nữa, cá nhân và đơn vị quản lý dự án còn phải chịu trách nhiệm trong suốt thời gian vận hành công trình, không phải về hưu mà hết trách nhiệm", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể |
Về đường bộ, hiện cả nước có 1.163km cao tốc và 900km đang triển khai. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, triển khai tiếp 729km đường cao tốc. Về hàng không, ngành đang rốt ráo triển khai sân bay Long Thành, Điện Biên, Quảng Trị và phối hợp với TP Hà Nội điều chỉnh sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách/năm. Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị để báo cáo Quốc hội cho chủ trương về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... Đó là những điểm nhấn cho việc từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đất nước trong tương lai gần.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã cho phép Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu đối với một số gói thầu như: tư vấn; di dời hạ tầng kỹ thuật; giải phóng mặt bằng (GPMB); gói xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia... Cơ chế chỉ định thầu có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng dự án?
Tôi cho rằng, đây là các gói thầu ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ nhưng có thể không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dự án, vấn đề là cách làm như thế nào. Đơn cử như gói thầu tư vấn của dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, khi chúng tôi phát hành hồ sơ dự thầu, yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn đều rất rõ ràng, đơn vị nào chưa từng làm công trình lớn thì bỏ qua. Kết quả cho thấy, chất lượng tư vấn chỉ định thầu không thua kém đấu thầu, tiến độ dự án đã được rút ngắn 3-4 tháng trong khi chất lượng vẫn đảm bảo. Rõ ràng, trong những trường hợp cần thiết, nếu chỉ định thầu thì mỗi khâu có thể rút ngắn được 3-4 tháng, chúng tôi sẽ có thêm thời gian tập trung cho các gói thầu liên quan trực tiếp đến chất lượng dự án là xây lắp.
Với một dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã lường trước còn những khó khăn, thách thức nào?
Hiện khó khăn lớn nhất là vốn và đã được tháo gỡ khi Chính phủ quyết định đầu tư công 100%. Khó khăn thứ 2 là nguồn vật liệu. Chúng tôi đang tổng điều tra mỏ trong toàn bộ khu vực dự án đi qua, làm việc với các địa phương bổ sung quy hoạch kịp thời. Ở vùng ĐBSCL, nguồn nguyên liệu cát đang rất hiếm, chúng tôi sẽ tìm các mỏ cát các tỉnh lân cận. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, sắp tới sẽ cho phép các nhà thầu khai thác mỏ đưa vật liệu xây dựng vào công trường, chỉ đóng thuế tài nguyên môi trường chứ không phải mua của các đơn vị, tránh bị tăng giá như thời gian qua. Khó khăn thứ 3 là GPMB, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, chúng tôi sẽ làm việc, đồng hành cùng địa phương để triển khai nhanh, quyết tâm đến cuối năm 2023 sẽ xong. Khó khăn thứ 4 là nền đất yếu. Từ Cần Thơ đi Cà Mau nền đất rất yếu. Chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp gia cố, kể cả giải pháp có chi phí cao nhưng đảm bảo chất lượng. Khó khăn cuối cùng là nhà thầu, hiện rất nhiều dự án đang triển khai, nay chúng ta triển khai thêm hơn 729km nữa, số nhà thầu mạnh hiện nay không còn nhiều, nếu giao thêm thì họ từ mạnh lại thành yếu, do đó, chúng tôi đang phải xem xét, tìm cách huy động nhà thầu sao cho hiệu quả.
Với khối lượng vốn giải ngân kỷ lục, liệu năng lực của ngành giao thông có đảm đương được, thưa Bộ trưởng?
Khối lượng công việc trong thời gian tới có thể nói là rất lớn. Chúng tôi cũng đã lường trước vấn đề này và có kế hoạch kiện toàn nhân lực của cơ quan Bộ GTVT, các cục, tổng cục chuyên ngành, theo hướng điều chuyển, tập trung nhân lực cho các đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý chất lượng và tiến độ dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư, giám sát thi công, nghiệm thu công trình... Các ban quản lý dự án có thể thuê thêm chuyên gia trong và ngoài nước. Tôi cho rằng, khi tư duy quản lý đã thay đổi, tăng trách nhiệm người đứng đầu, có chế tài rõ ràng thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh là, với các dự án sắp được triển khai, chất lượng sẽ là hàng đầu. Hiện có các đơn vị của Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu, thi công để giám sát đảm bảo chất lượng. Quốc hội cũng đã chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước tham gia từ khâu chuẩn bị dự án, đồng hành trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hơn nữa, cá nhân và đơn vị quản lý dự án còn phải chịu trách nhiệm trong suốt thời gian vận hành công trình, không phải về hưu mà hết trách nhiệm. Do đó, kể cả không hoàn thành tiến độ dự án, chúng tôi cũng sẽ báo cáo và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước chứ không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Bộ GTVT vừa thống nhất chủ trương mở rộng quy mô đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền qua tỉnh Hà Nam, do đã quá tải. Theo tính toán của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền dài 19,7km, nếu mở rộng từ 4 làn hiện hữu lên 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng. MINH DUY |