Đầu tư hạ tầng bài bản để phát triển ngành hàng cá tra bền vững

Ngày 11-10, tại TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế”. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp sản xuất giống cá tra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Đồng Tháp đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có khoảng 52 cơ sở sinh sản cá tra bột với số lượng đàn cá bố, mẹ khoảng 150.000 con, sản lượng cung ứng hằng năm ra thị trường khoảng 18 tỷ con cá tra bột; 850 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 800ha, hằng năm cung cấp khoảng 1,3 tỷ con cá tra giống; 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã sản xuất được 11,8 tỷ cá tra bột và 931 triệu con cá tra giống.

ong tuan.jpg
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị

“Năm 2023, tổng sản lượng cá tra thương phẩm thu hoạch đạt 525.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 629 triệu USD và ước trong 9 tháng năm 2024, sản lượng thu hoạch là 485.755 tấn đạt 89,9% kế hoạch năm, ước đến cuối năm, diện tích thả nuôi cá tra 2.630ha với sản lượng cá tra 540.000 tấn”, ông Tuấn cho hay.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá tra giống; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giống cá tra 3 cấp, từ sản xuất cung ứng giống bố mẹ đến sản xuất giống thương phẩm đến ương nuôi thành giống thương phẩm…

ca tra.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và nuôi thương phẩm. Thực hiện tốt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, đồng bộ, hiệu quả đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi.

thu truong.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Như vậy, mới phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được như vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra; tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra giống bằng việc tăng cường tiêm phòng vaccine nhằm giảm dịch bệnh; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các Hội, Hiệp hội ngành hàng cá tra.

tha ca.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Sáng cùng ngày, tại bờ kè Đình thần An Bình (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh Đồng Tháp - An Giang – Cần Thơ năm 2024. Tại đây, các đại biểu và đông đảo người dân tham gia thả khoảng 200.000 con cá giống các loại xuống sông Tiền, trong đó, có nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm về với thiên nhiên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ năm 2022 đến nay, bộ đã phối hợp với 3 địa phương là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp tổ chức thả hàng ngàn tấn cá ra sông Hậu, sông Tiền với nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế, góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát, vận động người dân không sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Dịp này, Ban tổ chức cũng trao cờ luân lưu cho đơn vị đăng cai tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2025 cho Sở NN-PTNT tỉnh An Giang.

Tin cùng chuyên mục