Không xem trường là doanh nghiệp
Chủ tịch HĐQT một công ty giáo dục tại TPHCM chia sẻ: Cách đây mười mấy năm, khi tôi mua lại trường ĐH thì dư luận cho rằng tôi rửa tiền là chính. Qua 14 năm, hiện nay trường là một trường ĐH tư có quy mô đào tạo lớn nhất nhì cả nước. Với vài chục ngàn sinh viên và học phí thấp nhất là vài chục triệu đồng/năm thì doanh thu hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng; trừ các khoản chi phí thì lãi vài trăm tỷ đồng là chuyện thường. Nhưng nếu không chịu học hỏi, không tái đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cho con người để cải tiến, nâng cao chất lượng, trường sẽ không thể lớn mạnh và có thương hiệu như hiện nay. Tôi đang mở rộng sang lĩnh vực giáo dục phổ thông vài năm nay với mục tiêu phát triển thành tập đoàn giáo dục có đủ các cấp học. “Những cuộc đổ vỡ của một số trường ĐH, các trường phổ thông đã giúp tôi rút ra nhiều bài học. Bản chất của trường ĐH hay trường học không phải là doanh nghiệp, nếu nhà đầu tư đòi hỏi trường như doanh nghiệp và chỉ quan tâm lợi nhuận thì rất khó phát triển. Một đồng lợi nhuận từ giáo dục phải tái đầu tư ít nhất 0,5 đồng, không thì nguy cơ đổ vỡ rất nhanh. Mọi chủ trương đổi mới, phát triển phải chú trọng đến yếu tố con người, phải để người thầy làm chủ, không thể có ông chủ và người làm thuê trong môi trường giáo dục”- vị chủ tịch này nhấn mạnh.
Một nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từng làm giám đốc một đại học vùng, cũng bộc bạch: Vấn đề tồn tại và đáng suy nghĩ đó là lợi nhuận thu được từ kinh doanh trong giáo dục được sử dụng cho ai và như thế nào? Sẽ rất lo ngại nếu lợi nhuận từ hoạt động giáo dục không được phân bổ phần lớn cho đầu tư mở rộng phương tiện vật chất và hiện đại hóa hình thức đào tạo, mà được sử dụng để tăng tài sản cá nhân của một số người. Trước tiên là lo ngại khuynh hướng thương mại hóa trong giáo dục. Tuy nhiên, không vì thế mà vội vàng đưa ra những chính sách hạn chế sự phát triển đầu tư của tư nhân vào giáo dục trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Chúng ta cần chính sách thay thế tốt hơn là hạn chế nó. Hơn nữa, một khi chấp nhận tư nhân đầu tư vào giáo dục, chúng ta không thể ngăn cản họ mưu cầu lợi nhuận hay không có quyền tham gia quyết định sử dụng lợi nhuận ấy như thế nào.
Làm rõ vấn đề lợi nhuận và không lợi nhuận
Theo một giảng viên ngành Luật của ĐH Quốc gia TPHCM, điều bất cập và là kẽ hở rất lớn hiện nay là Luật Giáo dục Đại học 2018 chỉ khuyến khích loại hình trường ĐH tư không vì lợi nhuận. Chính vì vậy, nhiều trường tư dù tích lũy, lợi nhuận khủng nhưng vẫn xưng là ĐH không vì lợi nhuận. Còn với giáo dục phổ thông thì hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lợi nhuận hay không lợi nhuận. Chính vì sự mù mờ này nên ở Việt Nam chưa có văn hóa cho, tặng hàng trăm tỷ đồng cho giáo dục như các nước khác.
Ở góc độ khác, một nhà quản lý giáo dục cho rằng: Từ mô hình quản lý hệ thống trường ĐH tư thục của các nước phát triển, Nhà nước có thể chia các nhà đầu tư tư nhân vào giáo dục thành 2 nhóm: Nhóm mưu cầu lợi ích (lợi nhuận), nhưng tình nguyện không sử dụng phần lớn lợi ích vào mục đích tăng tài sản cá nhân, mà dùng để phát triển mở rộng quy mô và chất lượng cơ sở giáo dục. Ở các nước phát triển, các trường nhóm này được gọi là đại học tư không vì lợi nhuận cá nhân. Chính phủ cấp đất và hầu như miễn thuế hoàn toàn cho đơn vị, với ràng buộc nhất định là trên 70% lợi nhuận thường niên được sử dụng để tăng quy mô vật chất, củng cố chất lượng cơ sở và phân bổ cổ phần cho người có quá trình làm việc, cống hiến cho sự phát triển của trường từ 10 năm trở lên. Kết quả là những trường này chỉ vài năm sau đã trở thành trường có hệ thống hạ tầng và chất lượng hoạt động được xã hội thừa nhận, phát triển bền vững.
Nhóm thứ 2 là trường ĐH tư không đăng ký tình nguyện sử dụng lợi ích của cơ sở đào tạo vào việc phát triển chất lượng và quy mô cơ sở (như nhóm thứ nhất) thì họ không nhận được bất kỳ ưu đãi nào của nhà nước. Nhà nước để họ tự do quyết định lợi nhuận của mình, nhưng đánh thuế rất nặng như một loại hình kinh doanh dịch vụ, dùng khoản tiền thu được này củng cố chất lượng của cơ sở giáo dục khác. Bằng cách này, sẽ hạn chế việc tích tụ tài sản vào một nhóm cá nhân. Do mức thuế nặng, phải tốn kém đầu tư mở rộng trang thiết bị nhằm thu hút người học, đa số các cơ sở giáo dục nhóm này sau một thời gian hoạt động đều tình nguyện chuyển sang loại hình thứ nhất. Nguy cơ sử dụng lợi nhuận giáo dục vào mục tiêu tăng tài sản cá nhân dần bị loại trừ, trong khi vẫn khuyến khích được tư nhân đầu tư vào giáo dục có chất lượng.
Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Sớm tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa trong GD-ĐT
Tôi cho rằng, cần có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho GD-ĐT, trước hết phải thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương. Thực trạng thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Trong đó có các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; điều kiện tiếp cận quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục; chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… chưa bảo đảm dễ dàng thực hiện; việc thực hiện chủ trương chuyển một số trường công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện chưa được triển khai có hiệu quả ở một số địa phương…
Do đó, nên sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT; rà soát để kịp thời phát hiện quy định chồng chéo, mâu thuẫn và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT; quản lý chặt chẽ về chất lượng giáo dục và giá cả dịch vụ giáo dục…
PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Mở trường không phải để kinh doanh
Khái niệm xã hội hóa giáo dục phải được hiểu đúng. Không nên hiểu đơn giản vì ngân sách không đủ nên phải kêu gọi nguồn lực bên ngoài đầu tư vào thì thành xã hội hóa mà chính là sự vào cuộc, chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT của toàn xã hội, không phải là việc của riêng nhà nước. Giáo dục ở đây là của nhà trường, gia đình, xã hội. Xã hội hóa không chỉ đơn thuần là huy động tiền cho giáo dục. Nếu hiểu đúng như vậy chúng ta sẽ thấy, khi xây một khu đô thị thì phải xây trường học cho trẻ, không để xảy ra tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, không để 1 lớp học có tới 50-60 học sinh. Nhưng nếu mở trường ra để kinh doanh giáo dục là sai, các nhà đầu tư mở trường nhằm đóng góp vào sự nghiệp GD-ĐT, nên mức thu phải phù hợp với kinh tế của đất nước, sức chi trả của người dân. Một trường ở Việt Nam liên kết với một trường ở Mỹ để dạy, đào tạo ở Việt Nam, nhưng thu theo mức phí ở Mỹ là không đúng.
TS LÊ TRƯỜNG TÙNG, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT: Có chính sách khấu trừ thuế khoản tài trợ, quyên góp cho giáo dục
Chính sách xã hội hóa giáo dục đã được bàn và sửa đổi nhiều, nhưng khi vào thực tế thì vướng mắc khá lớn, ở tất cả bậc học. Tôi ví dụ một người có tiền, muốn ủng hộ cho giáo dục nhưng phải nộp thuế xong mới được chuyển và không được khấu trừ, điều này đã từng đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục 2018, nhưng vì nhiều lý do chúng ta chưa thực hiện. Chính điều này đã không khuyến khích, thậm chí làm tắc nghẽn nhiều nguồn lực tài trợ trực tiếp cho giáo dục. Do đó, cần có chính sách khấu trừ thuế cho các khoản tài trợ, quyên góp cho giáo dục; thủ tục hiến tặng cần đơn giản, thuận tiện và được truyền thông rộng rãi hơn.