LTS: Nhằm khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục và đào tạo (gồm giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học), Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như giao đất, cho thuê đất, miễn giảm thuế, cho vay tín dụng...
Nhờ đó, xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có việc phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, tích cực, vẫn còn nhiều tồn tại dẫn đến không ít hệ lụy đáng tiếc.
Rối trước rừng thông tin
Trong vai phụ huynh tìm hiểu về các chương trình dạy học theo chuẩn quốc tế, chúng tôi được bộ phận tư vấn tuyển sinh Trường TH-THCS-THPT N.U. (quận Phú Nhuận, TPHCM) giới thiệu đây là hệ thống trường quốc tế có lịch sử 100 năm hình thành và phát triển tại Australia. Từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh được học chương trình đào tạo quốc gia Australia. Sau khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được cấp bằng tú tài, có giá trị toàn cầu, có thể sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học tốp 1% thế giới ở các quốc gia gồm Australia, Anh, Mỹ, Canada, Singapore…
Tuy nhiên, thông tin tại trang web của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Trường TH-THCS-THPT N.U. thuộc loại hình trường tư thục, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam kết hợp chương trình liên kết nước ngoài được Sở GD-ĐT TPHCM cho phép triển khai từ cuối tháng 8-2022. Như vậy, thông tin tự giới thiệu của đơn vị và hồ sơ dữ liệu công khai từ cơ quan quản lý có sự không thống nhất, thể hiện rõ nét ở chương trình dạy học và chuẩn đầu ra của học sinh.
Trường hợp khác, hệ thống Trường TH-THCS-THPT Quốc tế A.C. (hiện có 6 cơ sở ở các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình và TP Thủ Đức) được cổng thông tin của Sở GD-ĐT TPHCM niêm yết công khai là trường tư thục, không có thông tin về chương trình liên kết nước ngoài.
Tuy nhiên, trang web của trường giới thiệu về chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn giáo dục Hoa Kỳ. Đặc biệt, ở cấp THPT, học sinh được lựa chọn một trong hai chương trình học riêng biệt nhưng đều theo chuẩn giáo dục Hoa Kỳ. Câu hỏi được đặt ra là, chương trình liên kết nước ngoài do các trường tự giới thiệu có được thẩm định và giám sát thực hiện bởi cơ quan quản lý? Vì sao thông tin quảng cáo trên trang web của đơn vị có sự khác biệt với thông tin từ cơ quan quản lý?
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 (TPHCM), nhận định, đang có tình trạng “loạn” quảng cáo trên trang web của các trường ngoài công lập. Phụ huynh nếu không tỉnh táo, không kiểm chứng thông tin thì rất dễ bị choáng ngợp trước những thông tin do các trường tự giới thiệu. Để chấn chỉnh tình trạng này, cần sự phối hợp giữa Sở TT-TT và Sở GD-ĐT, vì ngành giáo dục không có thẩm quyền xử phạt hành vi quảng cáo thông tin sai lệch tại các trang web của trường học.
Đối với giáo dục đại học, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay có hơn 400 chương trình liên kết với nước ngoài. Từ khi thực hiện Luật Giáo dục Đại học (2018) đến nay, các trường đại học được giao quyền quyết định thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều chương trình liên kết đào tạo gắn mác chương trình quốc tế, học phí hàng trăm triệu đồng nhưng tổ chức giảng dạy chắp vá, thuê mướn cơ sở nhỏ lẻ để đào tạo.
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của các cơ sở đào tạo: một số trường đại học tự chủ ra quyết định triển khai chương trình liên kết nhưng chưa đầy đủ nội dung đúng theo mẫu quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP (ngày 6-6-2018) của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu; chương trình giảng dạy thực tế không đúng với chương trình được phê duyệt trong hồ sơ cấp phép...
Thanh tra Bộ GD-ĐT đã lập các biên bản xử phạt hành chính, đưa ra biện pháp xử lý buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện theo đúng hồ sơ đã được cấp phép.
Tại hội nghị giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc năm 2024, nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 diễn ra ngày 22-7-2024 tại TP Hải Phòng, Bộ GD-ĐT thừa nhận việc quản lý các cơ sở giáo dục tư thục nói chung, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở có yếu tố nước ngoài nói riêng, của các sở GD-ĐT còn bị động, không kịp thời phát hiện những bất cập.
Loạn danh xưng “quốc tế”
Ở bậc phổ thông, vụ việc hơn 1.300 học sinh Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ (gọi tắt là AISVN) tại huyện Nhà Bè (TPHCM) kết thúc năm học 2023-2024 sớm vào cuối tháng 4-2024 do nhà trường không còn khả năng chi trả lương cho giáo viên, nhân viên đã cho thấy lỗ hổng pháp lý khá lớn trong công tác quản lý loại hình cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Sau gần 3 tháng loay hoay tìm giải pháp, ngày 1-7-2024, cơ sở giáo dục này bị đình chỉ hoạt động do không có biện pháp khắc phục bất ổn về tài chính và nhân sự.
Trước đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã nhiều lần ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập do không đảm bảo điều kiện hoạt động, song đa số là trường có quy mô hoạt động dưới 1.000 học sinh, mức thu học phí dưới 100 triệu đồng/học sinh/năm học, giảng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT nên việc chuyển trường không làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh.
Trong khi đó, Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ giảng dạy chương trình tú tài quốc tế, học phí thuộc hàng đắt đỏ so với các trường cùng loại hình đào tạo (dao động 280-725 triệu đồng/học sinh/năm học tùy từng khối lớp) nên phụ huynh và học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường.
Ở góc độ quản lý, Sở GD-ĐT TPHCM không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng vay vốn giữa phụ huynh và nhà trường, do vậy bài toán quyền lợi của người học bị bỏ ngỏ.
Trong khi đó, với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường cũng chạy đua gắn mác “quốc tế”. Tuy nhiên, những chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, người học... thì mỗi nơi một kiểu.
Hiện nay, cả nước có hàng chục trường từ cao đẳng đến đại học mang danh “trường quốc tế”. Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam bộ, nhiều trường có tên “quốc tế” như Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Quốc tế Miền Đông, Cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis, Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Cao đẳng Quốc tế Việt Mỹ... Tuy nhiên, “chuẩn” hay “đẳng cấp quốc tế” vẫn chưa rõ ràng vì chưa có trường nào lọt vào tốp những bảng xếp hạng uy tín của thế giới.
Một ví dụ điển hình là Trường Cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty TNHH Centena Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2003 (theo giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18-9-2003) và đến ngày 30-6-2015, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập trường.
Trường này đào tạo hệ cao đẳng bằng tiếng Anh, do Học viện PSB Singapore và Hội đồng thi Quốc tế Trường Đại học Cambridge cấp bằng. Trong quá trình hoạt động, trường này không dưới 4 lần thuê mướn cơ sở để hoạt động.
Từ năm 2015, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) cùng Tập đoàn đào tạo Avestos (Đức) ký bản ghi nhớ hợp tác và phát triển các chương trình đào tạo nghề giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều thay đổi về đơn vị hợp tác với Việt Nam.
Trong đó, Avestos ủy quyền cho Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) ký kết một số hợp tác với Tổng cục Dạy nghề. Có 45 trường nghề tham gia chương trình đào tạo 22 ngành nghề, sinh viên ra trường được cấp cùng lúc hai bằng của Đức và của Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng 1.000 sinh viên theo học chương trình liên kết này, theo lộ trình sẽ thi tốt nghiệp vào tháng 10-2022, nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết vì liên quan đến các vụ án của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC).